Tính đến ngày 10/2 là tròn 2 tháng sau ngày đấu thầu 4 lô đất vàng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Từ đó cho đến nay, dư luận liên tục xôn xao về những câu chuyện xung quanh vụ đấu giá đất tỷ đô, gây choáng váng cho nhiều người, từ chuyện giá đất 2,4 tỷ đồng/m2, cho đến gần đây là chuyện bỏ cọc sau trúng đấu giá của 2 doanh nghiệp; hai doanh nghiệp còn lại cũng chưa nộp tiền đợt 1 theo quy định…
Hiện có hai doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lô đất 3-12 và 3- 9 tại Thủ Thiêm
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng, trên thế giới chưa có cuộc đấu giá đất nào như trường hợp đấu giá đất Thủ Thiêm.
Với mức giá cao nhất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2, cuộc đấu giá này sẽ mang lại lợi ích lớn trong việc gia tăng ngân sách nhà nước nếu doanh nghiệp trúng đấu giá không bỏ cọc. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, việc giá được đẩy cao bất thường cũng gây ra những hệ luỵ không nhỏ.
Ông Nghĩa cũng đặt giả thiết rằng, có thể nhà đầu tư sẵn sàng chịu bỏ số tiền lớn ra để đấu giá cao nhằm kích giá của các khu đất khác mà họ đang sở hữu, từ đó đem về nhiều lợi ích khác cho chính họ.
Thực tế, mặt bằng giá đất của TP.HCM hiện nay tăng lên rất nhiều so với trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Song song đó, thị trường chứng khoán trong 2 tháng qua cũng chứng kiến cổ phiếu bất động sản liên tục “nóng”, “lạnh” bất thường. Hàng loạt cổ phiếu tăng phi mã sau khi cuộc đấu giá diễn ra, nhưng cũng lao dốc không phanh khi có thông tin các doanh nghiệp bỏ cọc.
Về câu chuyện nhà đầu tư trúng đấu giá bỏ cọc, nói như chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì ở góc độ thị trường, việc này không có gì lạ.
Tuy nhiên vụ đấu giá lô đất Thủ Thiêm đã cho thấy quá nhiều điều. Quan trọng hơn, tiến độ bán đất của TP.HCM bị lỡ kế hoạch và cuối cùng không thu được tiền như kỳ vọng.
Thậm chí, giới kinh doanh đang nghĩ đến một hệ lụy khác, đó là khả năng bán thành công những lô đất này trong tương lai sẽ không dễ dàng, bởi giới đầu tư bất động sản thường có tâm lý sợ “dớp”.
Để tránh các hệ luỵ, ông Lực cho rằng cần rà soát các quy định về đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là về năng lực tài chính, cam kết vững chắc của bên tham gia đấu giá.
Trên thực tế, Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định phải nộp tiền cọc với mức tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tuy nhiên, Luật lại chưa có quy định cụ thể khi nhà đầu tư trả giá tài sản cao hơn nhiều lần như trường hợp Thủ Thiêm.
Bởi thế, cần sớm quy định chi tiết hơn về năng lực tài chính của bên tham gia đấu giá, nhất là đối với các dự án, lô đất có giá trị lớn.
Bên cạnh đó, khi trường hợp giá thắng đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm thì điều kiện với người thắng thầu phải có quy định cụ thể.
Nếu không, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi việc xuất hiện tình trạng tương tự với những khu đất khác, ở những nơi khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận