Sau cuộc điện thoại từ người lạ, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Tĩnh bị dẫn dụ vào nhà nghỉ thuê phòng.
Tại đây, trong thời gian 6 giờ, người này đã bị kẻ xấu thu thập toàn bộ thông tin cá nhân, sau đó bị chiếm đoạt 965 triệu đồng.
Sập bẫy lừa
Công an huyện Cẩm Xuyên tuyên truyền trên mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Gần chục ngày sau vụ bị lừa mất gần 1 tỷ đồng, ông Chu Văn S (SN 1965, trú tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), hiệu trưởng 1 trường tiểu học mới nhận lời chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Ông S. cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ông đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng. Lá đơn ông in ở quán photocopy để gửi đi, song đã được ai đó đưa lên mạng xã hội khiến sự việc trở nên phức tạp, bởi dù gì ông cũng là lãnh đạo tại một ngôi trường.
“Người ta nói thế này thế kia, rồi tại sao tôi lại dễ tin vào một cuộc điện thoại từ người lạ và mất một số tiền lớn thế? Đằng sau câu chuyện đó sự thật là gì, có gì uẩn khúc không?... Tôi khẳng định do quá cả tin và khi bị nhóm đối tượng “giăng bẫy” bài bản như thế nên sự cảnh giác của tôi không còn”, ông S. trải lòng.
Theo lời kể của ông S. vào khoảng 7h ngày 27/3, ông nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0907.421.265 của một người phụ nữ xưng “tổng đài viễn thông” thông báo: “Số thuê bao quý khách sẽ bị khóa trong 2 giờ để cơ quan chức năng xử lý vụ việc, quý khách lưu ý muốn biết lý do số điện thoại bị khóa thì hãy nhấn phím 1”.
Tin lời, ông S. nhấn phím 1 và được cho biết, số thuê bao đang dùng bị rò rỉ thông tin, phát tán một lượng thông tin quấy rối, làm mất trị an, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ông S. kể, do bản thân đang là hiệu trưởng nên khi có thông tin như vậy ông rất hoang mang, lo lắng, sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân nên đề nghị người này xóa thông tin rò rỉ.
Dường như, đối tượng nắm được điểm yếu của ông S. nên tiếp tục tung “mồi” nhử: “Muốn xóa tài khoản phải có sự kiểm tra của Công an Đà Nẵng vì tài khoản này được đăng ký từ Đà Nẵng. Nếu họ kiểm tra mà không có gì nghi vấn thì thông báo cho bên viễn thông sẽ xóa”.
“Tiếp đó, đối tượng cho số điện thoại Phòng Điều tra Công an TP Đà Nẵng. Tôi gọi theo số này thì có nam giới tự xưng là Nguyễn Hùng Cường tiếp nhận trình báo vụ việc”, ông S. cho hay.
Sau đó người đàn ông xưng tên Cường hướng dẫn ông S. nhập vào một đường link lạ để tiện trao đổi. Người này yêu cầu ông S. phải sắp xếp vào Đà Nẵng để làm việc, tuy nhiên, cũng thông báo nếu không vào được Đà Nẵng thì có thể làm việc gián tiếp qua mạng.
Tiền mất, tiếng mang
Tiếp đó, Cường kết nối cho ông S. làm việc với một người xưng là Đàn, “Đội trưởng Đội điều tra”. Đàn đã yêu cầu ông S. đến thuê phòng tại một nhà nghỉ trên địa bàn để đảm bảo bí mật trong quá trình làm việc.
Đến đây, do quá hoảng sợ, ông S. đã làm theo mọi sự chỉ dẫn mà nhóm lừa đảo giăng sẵn, đến thuê một phòng riêng tại khách sạn và làm theo sự hướng dẫn của chúng.
Đàn cho ông S. biết, tài khoản mà ông mở đã mang thông tin của Nguyễn Văn Dũng, là tội phạm xuyên quốc gia lừa đảo, buôn ma túy. Chúng yêu cầu ông S. trong quá trình làm việc phải đảm bảo bí mật, không được để người ngoài nghe được cuộc nói chuyện này.
Sau đó, Đàn hướng dẫn ông S. tải phần mềm “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an”. Tại phần mềm này đã hiển thị thông tin tài khoản rửa tiền của ông S. tại Đà Nẵng và quyết định bắt tạm giam nghi phạm là ông S., với thời gian là 90 ngày để phục vụ điều tra.
Tại nhà nghỉ, ông S. được nhóm lừa đảo yêu cầu kê khai tài sản, yêu cầu vay mượn tiền từ người thân, bạn bè chuyển vào tài khoản để “sớm được minh oan”. Sau khi vay mượn từ người thân, bạn bè và cầm cố chiếc ô tô theo sự hướng dẫn của Đàn, ông S. đã nộp 965 triệu đồng vào tài khoản cá nhân và số tiền này sau đó bị rút hết.
“Thậm chí, khi tôi hỏi các con để nhờ chuyển tiền vào tài khoản của mình thì các con cho rằng bản thân tôi đã bị lừa và nói tôi cho lý do để chuyển tiền. Vì quá tin lời nhóm đối tượng trên vì yếu tố “bảo mật”, tôi còn không dám nói với các con...” ông S chia sẻ.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã tiếp nhận đơn trình báo của ông S. về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 965 triệu đồng.
Sau vụ việc, Công an huyện Cẩm Xuyên cũng đã thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm tuyên truyền rộng rãi, nâng cao hiểu biết và ý thức cảnh giác của người dân đối với loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Một số thủ đoạn lừa đảo được cảnh báo như: Tuyển cộng tác viên online, vay tiền online, sử dụng công nghệ cao để giả danh thực hiện hành vi lừa đảo, đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, gọi điện giả mạo cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế thông báo người nhà bị nạn, gọi điện giả mạo công an để lừa đảo…
Đến thời điểm này, vụ việc vẫn đang được điều tra và cũng chưa có thêm bất cứ thông tin mới nào liên quan.
Theo luật sư Trần Thị Hương, Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh), để không trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện thông tin về phương thức lừa đảo để phòng tránh, tuyệt đối không thực hiện các thủ tục chuyển tiền cho người lạ.
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo nào người dân cần báo ngay đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Trần Thị Hương, hành vi của các đối tượng trong vụ việc có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận