Khách đến các bến xe ở Hà Nội giảm 25-50%
Tại buổi toạ đàm: "Vì sao khách chưa quay trở lại bến xe?" do Báo Giao thông tổ chức vào chiều nay (24/4), ông Trần Hoàng, Phó giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2023, tình hình hoạt động vận tải tại các bến xe trên cả nước nói chung và tại các bến xe của CTCP Bến xe Hà Nội nói riêng (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) giảm 300.000 lượt/3 bến, chiếm 28%. Trong đó, tùy theo từng bến, có bến Mỹ Đình giảm trên 30%; Bến xe Giáp Bát giảm 25% còn Bến Gia Lâm giảm gần 50%.
Về hành khách, mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn công ty là 52%, trong đó Bến Gia Lâm giảm gần 70%. Cùng đó là các vấn đề sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là con số rất đáng lo ngại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm, trước dịch Covid-19 ngày thường bến xe đón khoảng 600-700 lượt xe, riêng dịp lễ tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250-300 lượt xe/ngày. Riêng trong tháng 3-4 này là trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50%.
"Ngoài việc gây ảnh hưởng tới kinh tế của các doanh nghiệp khai thác bến xe, tình trạng sụt giảm lượng hành khách vào bến còn ảnh hưởng tới các vấn đề về xã hội.
Đó là hệ thống vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định đang dần đánh mất vai trò là trục xương sống của vận tải. Hệ thống này mang lại hiệu quả xã hội cao nhất, vận chuyển khối lượng lớn, vận chuyển những chuyến xe đã được kiểm tra, kiểm soát. Nếu đánh mất điều này thì ngoài ảnh hưởng kinh tế với doanh nghiệp, còn mang tới hệ lụy cho xã hội", ông Hoàng cho hay.
Về nguyên nhân khiến hành khách vào bến xe sụt giảm, ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định rõ các điều kiện cho các loại hình kinh doanh vận tải.
Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư 58 quy định xe kinh doanh vận tải phải có màu biển số riêng.
Theo ông Hùng, số lượng xe hợp đồng gia tăng so với xe tuyến cố định lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng đang cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định.
Cụ thể, theo ông Hùng, hiện số xe tuyến cố định là 17.419 xe, giảm đến 399 xe, trong khi đó, số lượng xe hợp đồng tăng hơn 232.000 phương tiện, gấp hơn 14 lần xe tuyến cố định. Những xe này thậm chí còn không đổi màu biển số theo quy định. Những loại hình vận tải này cùng lúc hoạt động, gây xung đột với nhau.
Trong khi đó, nhu cầu người dân tăng cao, điều kiện quản lý xe hợp đồng quá lỏng lẻo khi không phải đăng ký xin vào nốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát, văn phòng đại diện mọc khắp nơi như một bến xe thu nhỏ.
Nghị định 10 đã quy định thực hiện một trong các công đoạn như điều hành lái xe, thu tiền đó là đơn vị kinh doanh vận tải nhưng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp xe hợp đồng trá hình tổ chức đón khách, bán vé, lập các văn phòng đón/trả khách gây ra sự hỗn loạn, không thể quản lý được.
Làm gì để hút khách vào bến xe?
Để giải bài toán làm sao hành khách trở lại bến xe ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để đông hành khách trở lại bến xe, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chia sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh quản lý bến xe.
"Hiện nay, hành khách đã thay đổi hành vi trong việc tìm kiếm phương tiện vận tải, chủ yếu thông qua môi trường internet, trong bối cảnh chuyển đổi số, cần ủng hộ phương thức này của người dân. Các doanh nghiệp vận tải, bến xe cũng cần nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu này của hành khách", ông Bằng nhấn mạnh.
Theo ông Tuyển, các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội đã được nâng cấp rất nhiều về diện mạo, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, các bến xe và các doanh nghiệp vận tải cần ngồi lại để chia sẻ với nhau sao cho khoả lấp được cơ chế xin - cho giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp vào bến.
Phía doanh nghiệp vận tải, ông Đoàn Ngọc Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Công ty TNHH Văn Minh cho biết, để thu hút khách hàng, Công ty Văn Minh luôn đặt an toàn giao thông lên hàng đầu, luôn tìm kiếm, triển khai các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trường hợp có chuyến xe bị trục trặc phương tiện nếu để khách phải chờ 30 phút sẽ hoàn 50% giá vé, chờ 60% hoàn 100% giá vé cho khách hàng. Ứng dụng các phần mềm đặt vé để hành khách thuận lợi hơn trong đặt vé, chọn các chuyến xe phù hợp với thời gian, công việc của mình.
Phía Công ty CP Bến xe Hà Nội, ông Trần Hoàng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, qua phân tích của các khách mời, có thể thấy, hiện người dân ưa chuộng các loại hình vận tải mang đến sự tiện lợi cho họ. Tuy nhiên, nếu sử dụng xe trá hình sẽ tạo ra rất nhiều hệ luỵ đối với trật tự đô thị, an toàn giao thông, lãng phí xã hội.
Dịch vụ của xe khách liên tỉnh không chỉ nằm ở bến xe, đơn vị vận tải mà là ở một chuỗi những dịch vụ đưa hành khách từ nhà ở địa phương này đến một điểm khác ở địa phương kia. Họ từ nhà đến bến xe bằng cách nào, vào bến được đón tiếp ra sao, lên chuyến xe được phục vụ như nào
Trong bối cảnh nhiều các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau để đáp ứng nhu cầu đi lại liên tỉnh của hành khách, để đồng bộ được chất lượng dịch vụ đòi hỏi phải có quy định, chế tài mới mẻ hơn.
"Lấy ví dụ, khi hành khách đi xe ôm từ nhà ra bến xe nếu bị thu giá cao hay lên một nhà xe bị thu giá vé sai quy định, hiển nhiên, sẽ khiến hành khách đó mất thiện cảm với vận tải hành khách liên tỉnh, bất kể bến xe có đón tiếp chu đáo.
Để hình thành một tuyến xe tốt đáp ứng nhu cầu này của khách hàng sẽ phải tìm một tuyến vận tải liên tỉnh đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của họ. Muốn làm được điều này phải có quy hoạch về luồng tuyến, bổ sung biểu đồ để đáp ứng nhu cầu hành khách.
Đối với bến xe, phải tạo ra môi trường để hành khách đến bến cảm nhận được sự văn minh, thân thiện, không gây phản cảm. Trong khi đó, đơn vị vận tải cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương tiện, triển khai các phương thức tiếp cận hành khách một cách thuận lợi nhất như ứng dụng dịch vụ đặt vé online. Bên cạnh đó, dịch vụ trung chuyển tại các đầu bến cũng phải đảm bảo để hành khách không bị bất cứ sự xâm hại nào", ông Hoàng nói và bày tỏ mong muốn: "Cần sự vào cuộc đồng bộ, nâng chất lượng từ bến xe, đơn vị vận tải, các loại hình trung chuyển xe ôm, xe taxi,…Nếu làm được điều này, tôi tin rằng việc kéo hành khách trở lại bến xe hoàn toàn khả thi. Việc các nhà xe có chất lượng dịch vụ tốt như Futa Hà Sơn, Vân Anh đang hoạt động tại bến với lượng hành khách ổn định, ngày càng cao là minh chứng cho điều đó".
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc giao quyền chủ động và gắn trách nhiệm cho các đơn vị bến xe là một xu hướng.
"Tại buổi làm việc với các bến xe đã đi đến thống nhất cho phép các bến xe có thể chủ động sắp xếp biểu đồ trong khu vực cao điểm. Có thể bố trí tăng xe ở giờ cao điểm và chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp, báo cáo với cơ quan cấp trên để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Bản thân các bến xe phải chủ động đề xuất chính sách để chúng tôi báo cáo, tham mưu các cấp thẩm quyền giải quyết", ông Tuyển nói.
Ở góc độ CSGT, Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho biết, trong ba tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã xử lý gần 4.000 trường hợp, tức là mỗi tháng xử lý 1.300 trường hợp. Đây là một trong nhiều hành vi xử lý trên địa bàn.
Để đảm bảo tính răn đe cần có chế tài mạnh, đặc biệt với hành vi tái phạm nhiều lần theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn thì cần kết hợp xử lý của các bên và có thể xem xét từng vụ việc sẽ xử lý ở mức cao hơn.
Ngoài xử lý vi phạm bằng camera, CSGT cũng phát động sự tham gia của toàn dân để chúng tôi có thể xử lý vi phạm tốt nhất.
"Cần tăng cường xử lý của lực lượng chức năng, phối hợp các cơ quan liên quan, gắn với các cơ quan quản lý để có tính răn đe hơn nữa. Chúng ta có thể phối hợp với Bộ TT&TT để ngăn chặn các doanh nghiệp chào mời dịch vụ vận tải xe dù bến cóc trên mạng xã hội, internet", ông Tuấn nói...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận