Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng, được chia làm 4 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 3 có chiều dài 37km, do tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản, Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ khởi công vào ngày 17/6
Dồn lực giải phóng mặt bằng
Tại Hậu Giang, dự án qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp với hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 260ha.
Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia có diện tích đất phải thu hồi và khối lượng công việc rất lớn, tỉnh Hậu Giang đang tích cực triển khai công tác GPMB, chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện khởi công vào ngày 17/6 sắp đến.
Lễ khởi công dự án thành phần 3 sẽ đồng loạt cùng các dự án thành phần khác - vào ngày 17/6.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã chi trả bồi thường cho 764 hộ dân với số tiền hơn 515 tỷ đồng và đang tiếp tục chi trả cho các hộ còn lại trong các ngày tới.
Đồng thời, bàn giao hơn 202/260ha diện tích mặt bằng phải thu hồi, đạt hơn 77%, hoàn thành sớm hơn và vượt khối lượng theo Nghị quyết số 91 của Chính phủ.
“Chủ đầu tư cũng đã chuẩn bị mặt bằng bàn giao cho đơn vị tổ chức sự kiện, đảm bảo lễ khởi công diễn ra ngày 17/6 theo Kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang và chỉ đạo của Chính phủ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang thông tin.
Về công tác lựa chọn nhà thầu, ông Tân cho hay, dự án chia làm 2 gói thầu xây lắp. Tư vấn đã thẩm định hồ sơ dự thầu và báo cáo kết quả cho chủ đầu tư. Hiện, Sở đang thông qua tổ tư vấn, dự kiến sẽ công bố kết quả ngày 15/6.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối các tỉnh Nam sông Hậu với trục cao tốc Bắc - Nam
Kỳ vọng lớn
Chia sẻ về ý nghĩa của tuyến cao tốc, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Không chỉ vậy, đây còn là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả khu vực ĐBSCL.
Dự án kết nối các tỉnh Nam sông Hậu với trục cao tốc Bắc - Nam tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc liên hoàn, sẽ là trục động lực kinh tế kết nối các cửa khẩu phía Tây Nam, đưa hàng hóa các tỉnh trong khu vực xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài thông qua cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) sắp tới.
Nơi được chọn tổ chức lễ khởi công sát với nơi tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua
Đồng thời, đây còn là trục giao thông kết nối, tạo liên kết vùng, tạo trục hành lang kinh tế nhằm phát huy sức mạnh của địa phương, tăng chuỗi giá trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong khu vực nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang, việc khởi công dự án cho thấy rằng Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT rất quyết tâm để đầu tư tập trung những dự án lớn, có trọng tâm, trọng điểm, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dự án cũng góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đó là xây dựng hoàn thành 5.000km đường cao tốc.
“Đối với Hậu Giang, việc khởi công dự án thành phần 3 được xác định để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, mở ra kỳ vọng to lớn, đánh dấu bước ngoặc lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.
Từ đó, tạo động lực rất lớn cho Hậu Giang phát triển theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”.
Trong đó "2 tuyến" là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.
"1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm" của Hậu Giang, đó là:
- “1 tâm”: Lấy huyện Châu Thành là trung tâm và động lực trong phát triển trụ cột đô thị và công nghiệp. Đây có thể nói là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
- “2 tuyến”: Tuyến giao thông giữa Hậu Giang với Cần Thơ và TP.HCM và kết nối với tuyến giao thông sắp hình thành: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Bắc - Nam) và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trên cơ sở 2 tuyến đó thì xây dựng các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp phát triển dọc theo 2 tuyến.
- “3 thành”: Nâng tầm và phát triển TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và TX Long Mỹ.
- “4 trụ cột”: Công nghiệp hiện đại, Nông nghiệp sinh thái, Đô thị thông minh, Du lịch chất lượng.
- “5 nhiệm vụ trọng tâm”: Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các lĩnh vực; cải cách mạnh mẽ hành chính, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận