Sáng nay (14/1), trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can liên quan đến việc mua bán “lốt” xe xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu.
Các bị can bị khởi tố, điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Nội dung biên nhận tiền luật tại cửa khẩu Tân Thanh.
Thông tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, trong 3 bị can trên có 2 người là cán bộ Đội Quản lý Trật tự đô thị huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn,1 người là công dân ngoài xã hội.
Thời gian qua, lợi dụng việc được giao quản lý bãi đất trống trên địa bàn để xếp xe, điều tiết, phân luồng phương tiện trong xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu, những người trên đã móc nối, nhận tiền của chủ hàng để mua bán “lốt”, cho các xe đến sau nhưng được vượt lên trước đến cửa khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Tình trạng trên đã gây bức xúc trong dư luận, khiến các nhà xe, chủ hàng phải chung chi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/xe nông sản.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn đang được giao tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Theo điều tra của PV Báo Giao thông, mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế và chủ xe phải chi tiền “làm luật” hàng chục triệu đồng, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chỉ cả trăm triệu đồng để mua “lốt”.
Theo quy định, tại các cửa khẩu biên giới, các tài xế chở hàng phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng, chống dịch.
Trong khi đó, chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Vì thế, việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “nhà luật” (một dạng “cò” thủ tục hành chính).
Lợi dụng việc thông quan khó khăn hơn so với trước đây, khoản tiền “làm luật” đã bị các “nhà luật” đẩy từ mức 6- 8 triệu đồng (như thường lệ) lên tới vài chục triệu đồng. Các lái xe, chủ xe không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận.
Đáng chú ý, chủ hàng muốn thông quan nhanh còn phải chi cả trăm triệu đồng để mua “lốt”. Xe nào mua “lốt” thì được lên cửa khẩu sớm hơn, còn không phải nằm chờ, có khi thời gian chờ đến lượt thông quan lên tới hơn 20 ngày.
Theo các tài xế, với 1 xe chở mít hay chở thanh long, nếu xe được thông quan sớm thì chủ hàng lãi lớn vì bên kia biên giới đang khan hàng. Còn nếu để 20 ngày hay 1 tháng sau mới đến lượt, lúc đó hàng sẽ bị thối, hỏng, ảnh hưởng chất lượng dù được bảo quản lạnh đến mấy.
Chính vì điều này mà nhiều chủ hàng chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để được sớm lên cửa khẩu.
Thời gian cao điểm với cả nghìn xe container xếp hàng, thì việc mua được “lốt” cũng không phải dễ và giá đương nhiên cũng rất cao, có khi tới hơn cả 100 triệu đồng.
Trước đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nhận được nhiều bằng chứng liên quan đến những tiêu cực kể trên.
“Hiện, tỉnh đang chỉ đạo công an tập trung lực lượng kiểm tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định”, vị này cho biết.
Tiếp nhận các thông tin phản ánh của PV Báo Giao thông, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn cho biết, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay đang có hơn 20 doanh nghiệp, đại lý hải quan, được Tổng cục Hải quan cấp phép hoạt động xuất, nhập khẩu.
Ngoài ra, còn có hàng trăm người là cộng tác viên, được các tài xế quen gọi là “nhà luật”, hay “cò luật” giúp lái xe hoàn thiện thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Cũng theo đơn vị này, tình trạng trên đã nảy sinh tiêu cực, có tình trạng xe vượt “lốt”; xe đến sau được lên trước, được ưu tiên hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu ngay, trong khi xe đến trước, ăn chực nằm chờ cả chục ngày trời...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận