Thế giới giao thông

Báo động hố “tử thần” trên đường phố Hàn Quốc

17/11/2024, 15:09

Mỗi năm, trên đường phố Hàn Quốc xảy ra hàng trăm vụ sụt lún gây ra những chiếc hố "tử thần". Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền nước này buộc phải đưa ra biện pháp rốt ráo để giải quyết.

Những con số đáng báo động

Theo báo cáo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, trong 5 năm qua, đã có tổng cộng 957 hố "tử thần" xuất hiện trên khắp đất nước.

Trường hợp gần nhất xảy ra vào ngày 21/9 tại Busan do mưa lớn. Hố sụt dài 10m, rộng 5m và sâu 8m, đã nuốt chửng một xe thoát nước của Sở Cứu hỏa Busan đang làm nhiệm vụ và một xe tải 5 tấn. May mắn, vụ việc không có thương vong.

Báo động hố “tử thần” trên đường phố Hàn Quốc- Ảnh 1.

Hiện trường hố “tử thần” tại Busan “nuốt trọn” 2 ô tô tải.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thủ đô Seoul. Từ năm 2021 đến tháng 8 năm nay, Seoul đã ghi nhận tổng cộng 63 hố sụt, trở thành nơi xuất hiện hố "tử thần" nhiều thứ hai, chỉ đứng sau tỉnh Gyeonggi - nơi ghi nhận 117 vụ việc trong cùng khoảng thời gian.

Đơn cử, ngày 29/8 tại phố Yeonhui-dong, quận Seodaemun của Seoul, một hố sụt rộng 6m, dài 4m và sâu 2,5m đã nuốt chửng một chiếc xe. Vụ tai nạn khiến tài xế 82 tuổi bị gãy xương sườn, trong khi người vợ 79 tuổi bị ngưng tim nhưng may mắn được hồi sức kịp thời.

Việc liên tiếp xảy ra sụt lún đường bộ trên khắp cả nước là hồi chuông cảnh báo nguy cơ tai nạn nghiêm trọng, làm dấy lên mối lo ngại cấp bách về an toàn công cộng.

Loay hoay tìm giải pháp

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, hơn một nửa số vụ hố "tử thần" có nguyên nhân liên quan đến hư hỏng đường ống nước thải và nước sạch. Trong đó, hơn 46% trong tổng số trường hợp liên quan đến hư hỏng đường ống nước thải.

Báo động hố “tử thần” trên đường phố Hàn Quốc- Ảnh 2.

Cảnh sát điều tiết giao thông tại nơi xảy ra sụt đường ở Yeonhui-dong, quận Seodaemun phía Tây Seoul hồi tháng 8.

Những vụ rò rỉ liên quan đến các hệ thống nước thải thường đi qua công trường xây dựng, dẫn đến mất ổn định mặt đất. Mặt đất thường xuyên rung động kèm thêm tải trọng nặng là những yếu tố chính làm suy yếu mặt đất, dẫn đến sập đổ. Các nguyên nhân khác được xác định là do công tác san lấp, nạo vét kém.

Tại Hàn Quốc, năm 2019 có 193 vụ sụt lún đường, năm 2020 xảy ra 284 vụ, năm 2021 có 142 vụ, năm 2022 xuất hiện 177 trường hợp và 161 vụ trong năm ngoái. Trung bình mỗi năm xuất hiện 191 hố "tử thần".

Sau một loạt các vụ tai nạn sụt lún đường bộ nghiêm trọng, chính quyền Trung ương và địa phương đã tăng cường quản lý các khu vực có nguy cơ cao.

Quận Seongdong ở phía Đông Seoul đã triển khai hệ thống quản lý an toàn không gian ngầm sử dụng công nghệ internet vạn vật từ năm 2017, theo dõi rò rỉ nước thông qua hệ thống chẩn đoán từ năm 2020.

Tương tự, nhiều địa phương như Suwon (tỉnh Gyeonggi) và Cheongju (tỉnh Bắc Chungcheong) đã áp dụng công nghệ radar xuyên mặt đất (GPR) để tăng cường nỗ lực bảo trì và phát hiện các mối nguy tiềm ẩn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về hiệu quả của những biện pháp này. Bởi thực tế sau khi xảy ra vụ hố "tử thần" ở Yeonhui-dong vào tháng 8, chính quyền thành phố nhanh chóng làm xuyên đêm tiến hành quét GPR trên tất cả 8 làn đường, bao phủ một đoạn đường dài 500m. Song một vụ sụt lún đường khác tiếp tục xảy ra vào buổi sáng, chỉ cách địa điểm ban đầu 30m.

Hơn nữa, cả Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc và chính quyền thành phố đều tiến hành kiểm tra thường xuyên các đường ống thoát nước thải cũ, các khu vực dễ bị lũ lụt và các khu vực có lượng mưa nhiều.

Số lượng các địa điểm kiểm tra đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái. Tuy nhiên, những trường hợp sụt lún đường ở Seoul vẫn tiếp tục gia tăng, từ 11 trường hợp vào năm 2021 lên 20 trường hợp vào năm 2022 và 22 trường hợp vào năm 2023.

Cần phát hiện nguy cơ sớm

Các chuyên gia kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường đầu tư từ khâu phòng ngừa và cho rằng, cần sử dụng các thiết bị như GPR để xác định nguy cơ sụt lún tiềm ẩn từ sớm, trước khi các vết sụt phát triển.

Báo động hố “tử thần” trên đường phố Hàn Quốc- Ảnh 3.

Cơ quan chức năng đo chiều dài, độ sâu hố “tử thần” tại Yeonhui-dong, quận Seodaemun, thủ đô Seoul khiến 2 người bị thương.

"Trong bối cảnh ngày càng nhiều dự án xây dựng quy mô lớn hoặc đào hầm ngầm, mặt đất xung quanh trở nên không ổn định, làm tăng khả năng xảy ra sụt lún. Cần kiểm tra kỹ lưỡng mặt đất trước khi xây dựng, gia cố các khu vực yếu và lắp đặt một hệ thống giám sát phát hiện sụt lún mặt đất trong quá trình đào hầm", ông Kong Ha-sung, giáo sư về phòng cháy chữa cháy và thảm họa tại Đại học Woosuk nhận định.

Chuyên gia này còn cho rằng, việc kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên các đường ống ngầm cũ, sớm thay thế đường ống dựa trên độ bền của từng loại cũng rất quan trọng.

Còn ông Lee Young-ju, giáo sư Khoa An toàn Phòng cháy chữa cháy tại Đại học Kyungil thừa nhận, để ngăn chặn tất cả các sự cố sụt lún là gần như không thể, nhưng cần nỗ lực giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể.

"Khi xảy ra sụt lún hoặc sụt lún đường, cần báo cáo sớm để kịp thời sửa chữa khẩn cấp, đảm bảo đường vẫn có thể sử dụng được và giảm thiểu thiệt hại thêm", cũng theo ông Lee.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.