Xã hội

Báo động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần

Số lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần tăng đột biến, dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và an sinh xã hội.

Nếu rút BHXH một lần, người lao động (NLĐ) mất các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, là 3 chế độ ngắn hạn được hưởng ngay trong quá trình lao động. Và đương nhiên khi về hưu, NLĐ không có chế độ hưu trí, tử tuất.

img

Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người rút BHXH 1 lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020 (Ảnh minh họa)

“Lấy 1 cục vì chờ hưởng lương hưu quá lâu!”

Chị Nguyễn Hồng Nhung (Thanh Trì, Hà Nội) vừa hoàn thành hồ sơ nhận BHXH 1 lần, với số tiền được nhận là 119.000.000 đồng cho 12 năm 10 tháng đóng BHXH.

Chị Nhung là giáo viên của 1 trường mầm non tư thục có vốn đầu tư từ Đức nhưng Covid-19 khiến trường đóng cửa và chị cũng nghỉ làm luôn, tính đến giờ là hơn 1 năm.

Nói về lý do rút BHXH 1 lần, chị Nhung chia sẻ, năm nay chị 39 tuổi, nếu đóng thêm 2 năm 2 tháng nữa để đủ 15 năm nhận lương hưu tối tiểu 45% thì chị vẫn còn thiếu điều kiện về tuổi hưởng hưu non (quy định 45 tuổi); còn nếu muốn được hưởng tối đa lương hưu 75% theo quy định chị cần tiếp tục đóng BHXH thêm 15 năm và đến 60 tuổi mới đến thời gian được hưởng lương hưu.

“Thời gian dài quá, và hiện nay ở tuổi này tôi không còn dự định quay lại làm giáo viên mầm non nữa, nên sau nhiều đắn đo tôi quyết định rút BHXH 1 lần”, chị Nhung nói.

Chị Nhung cho biết thêm, chồng chị năm nay 50 tuổi nhưng cũng đã hơn 19 năm đóng BHXH.

“Ông xã cũng đang tính đến rút BHXH 1 lần vì cũng đã nghỉ việc 2 năm nay rồi. Hai vợ chồng ngồi tính với mức BHXH đang đóng thì nếu duy trì thêm để hưởng lương hưu cũng chừng 2.000.000 đồng/tháng, chưa kể, để đủ tuổi thì cần thêm 15 năm nữa. Nếu muốn lương hưu cao hơn thì phải đóng duy trì theo hình thức tự nguyện với khoản tiền mỗi tháng chừng 1.500.000 đồng đổ lại… Hai vợ chồng dự định nhận khoản BHXH một lần rồi đầu tư buôn bán nhỏ và tự tích lũy dự phòng”, chị Nhung nói.

Cũng quyết định nhận BHXH 1 lần sau hơn 1 năm nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch, chị Nguyễn Bội Quyên (Thái Bình) cho biết: “Năm nay tôi 40 tuổi, làm công nhân tại 1 công ty giày da, đóng bảo hiểm cũng đã 18 năm. Ở tuổi này, sức khỏe tôi kém đi rất nhiều sau khi đã sinh 3 đứa con, làm việc thời gian dài trong môi trường khá khắc nghiệt. Cũng mong muốn được nhận khoản lương hưu để đỡ lo lắng cho tuổi già nhưng nhiều lúc tôi cũng tự hỏi liệu mình có còn đủ sức khỏe để làm thêm 20 năm đến khi đủ điều kiện nhận lương hưu nữa nay không?”.

Chị Quyên cho hay, ở công ty chị làm việc, các công nhân trẻ khi nghỉ việc, rất nhiều người lựa chọn việc nhận BHXH 1 lần, nhất là với những người có thời gian đóng BHXH dưới 10 năm.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, số lượng NLĐ hưởng BHXH 1 lần trong thời gian qua tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài Nhà nước) với 90,74%, sau đó là đối tượng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với 8,04% và thấp nhất là đối tượng tự nguyện chiếm 1,22%.

“Các con số trên có thể giải thích với lý do tính chất công việc của đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định, trong đó chủ yếu tập trung ở khối DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, NLĐ thường chịu áp lực về công việc nên có tâm lý “nhảy việc” nên khi nghỉ việc, trong thời gian tìm kiếm việc làm mới phù hợp hơn thì muốn hưởng BHXH một lần để trang trải cuộc sống”, ông Thọ nhận định.

“Bàn cân” giữa hưởng BHXH 1 lần và lương hưu

Phân tích về nguyên nhân gia tăng số lượng rút BHXH 1 lần, ông Thọ cho rằng, điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, mức hưởng hấp dẫn hơn trước đối với thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi và rất có lợi so với mức đóng góp của bản thân NLĐ (với mức đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 1,5 tháng cho thời gian đóng BHXH trước năm 2014 và bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi).

Đây chính là nguyên nhân khiến NLĐ cứ nghỉ việc là mong muốn được nhận BHXH một lần thay vì bảo lưu chờ đóng tiếp để hưởng lương hưu hàng tháng.

Ngoài ra, quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài, dẫn đến giảm nỗ lực tiếp tục tham gia BHXH của một bộ phận lớn NLĐ.

Theo quy định của Luật BHXH điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được hưởng lương hưu là đủ 20 năm đóng.

Điều này dẫn đến đa số NLĐ khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng BHXH sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, một số mốc thay đổi trong chính sách BHXH như từ năm 2018 trở đi, quy định tăng thời gian đóng BHXH dần thêm cho đến khi nam phải đóng đủ 35 năm, nữ đóng đủ 30 năm mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75%; từ năm 2021 trở đi tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035 mới đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu cũng khiến nhiều NLĐ chọn nhận tiền BHXH 1 lần hoặc về hưu sớm vì cho rằng có thể lợi hơn và tâm lý ăn chắc…

Tuy nhiên, đại diện BHXH cũng chỉ rõ, nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân” thì chính sách BHXH đem lại cho NLĐ rất nhiều lợi ích.

Hiện tại, đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hàng tháng của NLĐ, trong đó, NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%.

Ví dụ, nếu tiền lương của NLĐ là 5.000.000 đồng/tháng thì quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, NLĐ đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ).

Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% tiền lương hàng tháng (32% tổng quỹ), NLĐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Và chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, NLĐ nhận được với mức tiền lương đóng 5.000.000 đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà NLĐ phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.

Còn với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng).

Như vậy, với tỷ lệ đóng hàng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (Nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng.

Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia BHXH qua đời.

Ông Thọ cho biết, trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này.

“Vì vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH 1 lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu”, ông Thọ khuyến cáo.

Lời giải nào cho bài toán khó?

Dẫn lại con số thống kê hơn 80% NLĐ hưởng chế độ BHXH 1 lần có độ tuổi từ trên 20 đến 40 tuổi, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khó khăn trước mắt đã khiến NLĐ cảm thấy con đường nhận chế độ lương hưu quá “gian nan”.

“Nhà nước cần tiếp tục có thêm các gói hỗ trợ an sinh để người dân có thể giải quyết khó khăn trước mắt ngay cả khi chúng ta đã xác định sống chung với dịch Covid-19. Ngoài ra, cần sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu …”, ông Lợi chia sẻ.

Thừa nhận hưởng BHXH 1 lần là quyền lợi chính đáng của NLĐ theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng” tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, với điều kiện đơn giản, “cho rút thoải mái” khi có nhu cầu, vô hình trung đã xóa bỏ cố gắng bao phủ BHXH toàn dân.

“Để bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ trong dài hạn, các quốc gia trên thế giới không cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH 1 lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu. Do đó, cần điều chỉnh quy định hưởng trợ cấp BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho NLĐ có sự lựa chọn, đồng thời vẫn bảo đảm khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng khi về già” ông Lợi đặt vấn đề.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đang được giao đánh giá tổng kết Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động.

Trước đó, trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Luật BHXH 2014 hiện đã nảy sinh nhiều bất cập vướng mắc.

Cụ thể, điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là quá dài, chưa khuyến khích NLĐ tham gia khi tuổi đời đã cao, không phù hợp với quan điểm tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động tham gia BHXH.

Do đó, Luật BHXH sửa đổi sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; quy định lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

Được biết, Luật BHXH 2014 đang trong quá trình tổng kết đánh giá đối chiếu với hệ thống pháp luật liên quan, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh vào năm 2023.

Từ khi thực hiện Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ năm 2016) đến hết năm 2020, toàn quốc có gần 3.200.000 người lao động (NLĐ) đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH 1 lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,3%.

Cụ thể: Năm 2016 là 500.174 người, năm 2017 là 560.137 người (tăng 12% so với năm 2016), năm 2018 là 666.482 người (tăng 19% so với năm 2017), năm 2019 là 707.184 người (tăng 6,1% so với năm 2018), năm 2020 là 761.081 người (tăng 7,62% so với năm 2019 và tăng 52,2% so với năm 2016).

Những người hưởng chế độ BHXH 1 lần có độ tuổi từ trên 20 đến đủ 40 tuổi chiếm 80,9%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.