Một phương tiện trọng tải vài trăm tấn không có đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động tuyến Vĩnh Phúc - Nam Định |
Muôn kiểu bỏ đăng kiểm
Trực tiếp khảo sát ngẫu nhiên một số bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên sông Hồng, sông Lô đoạn qua Vĩnh Phúc, sông Cầu qua Bắc Ninh, PV Báo Giao thông ghi nhận hàng chục phương tiện thủy như: VP-1455, VP-1641, HN-0250, HN-0607, NĐ-0518, NĐ-042... chở hàng hóa không có tem chứng nhận kiểm định hoặc đã hết hạn từ hơn 1 năm trở lên. Thậm chí, cả tàu trọng tải khoảng vài trăm tấn cũng không có biển số, vẫn chở hàng, lưu thông từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Anh Đào Văn Xuất, thuyền viên tàu NĐ-042... cho hay, phương tiện mới hạn hết đăng kiểm từ tháng 8/2017, chủ tàu cũng định đưa tàu đi kiểm định luôn, nhưng hàng hóa ít nên nhùng nhằng chưa đăng kiểm. “Nhiều tàu bỏ đăng kiểm 3-4 năm nhưng vẫn chạy bình thường nên chúng tôi cũng chưa muốn đưa tàu đi đăng kiểm”, anh Xuất nói.
Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình, năm 2018 ngành Đăng kiểm sẽ tập trung mạnh hơn để có các giải pháp quản lý chất lượng phương tiện thủy nội địa, hạn chế tình trạng phương tiện thủy không quay lại đăng kiểm. Trong đó, sẽ có đánh giá tổng thể, toàn diện về thực trạng phương tiện thủy trên toàn quốc. Để giải quyết vấn đề trên, cần sự hỗ trợ của các ngành, lực lượng chức năng, nhất là trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về điều kiện an toàn phương tiện thủy. |
Cũng như anh Xuất, một số thuyền viên tàu khác đều cho biết, tàu quá hạn đăng kiểm sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt tiền, nhưng phương tiện vẫn được hoạt động trên các tuyến. Một trong những lý do mà các thuyền viên đưa ra là hầu như phương tiện nào cũng từng bị xử phạt ít nhất một lần về quá hạn đăng kiểm, nên khi bị kiểm tra thì dùng biên lai để “xin” không bị phạt.
“Cùng lắm nộp phạt là được đi, ít khi thấy tàu quá hạn đăng kiểm bị tạm giữ”, ông Lê Văn Tính, chủ một tàu ở xã Tân Việt, Thanh Hà, Hải Dương đã quá hạn đăng kiểm vài năm nay cho biết.
Tìm hiểu từ các đơn vị đăng kiểm cho thấy, rất nhiều phương tiện chỉ đăng kiểm khi đóng mới, còn sau khi hoạt động nhiều năm không quay lại đăng kiểm. Nhiều trường hợp sau khi được tuyên truyền, vận động đã đến đăng kiểm, nhưng khi kiểm định xong bỏ luôn tem, hồ sơ phương tiện. “Tại hồ thủy điện Hòa Bình, tàu chở khách du lịch ở dạng tự đóng, tự hoán cải không có thiết kế, không có chứng nhận đăng kiểm nhưng vẫn tham gia dịch vụ chở khách đang có xu hướng tăng nhanh. Một số chủ phương tiện sau khi kiểm định phương tiện không lấy hồ sơ đăng kiểm, không nộp phí”, lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 1 cho biết.
Cũng theo Chi cục Đăng kiểm số 1, trong 6 địa phương vùng núi phía Bắc thuộc địa bàn đơn vị phụ trách, hiện có hơn 4.000 phương tiện thủy chưa đăng kiểm.
Tương tự phía Bắc, hầu hết các địa phương phía Nam có giao thông thủy sôi động cũng trong tình trạng trên. Nhiều nhất là nhóm phương tiện công suất nhỏ hơn 50CV, phương tiện dân dụng. Chẳng hạn, theo Chi cục Đăng kiểm An Giang, trên địa bàn có hơn 15.700 phương tiện loại này đã có trong hồ sơ kiểm định, nhưng rất ít phương tiện đăng kiểm định kỳ, có thể do phương tiện đã giải bản, ít hoạt động hoặc cố tình bỏ đăng kiểm.
“Dù việc đăng kiểm được thực hiện tại chỗ, tận nơi theo yêu cầu của chủ phương tiện, nhưng tỷ lệ phương tiện cỡ nhỏ quay lại đăng kiểm hàng năm rất thấp. Nguyên nhân do ý thức chấp hành của chủ phương tiện chưa cao, chỉ khi bị cơ quan chức năng xử phạt hoặc khi thấy việc kiểm định gắn liền với lợi ích mới kiểm định phương tiện”, lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm An Giang nói.
Thiếu dữ liệu, gây khó quản lý
Theo Cục Đăng kiểm VN, đến tháng 12/2017, toàn quốc có khoảng 280.000 phương tiện thủy, với gần 90.100 phương tiện đã được đăng kiểm. Đáng nói, hiện đang có hàng vạn phương tiện đã bỏ đăng kiểm định kỳ. Tuy nhiên, do chưa có số liệu chuẩn toàn quốc về phương tiện thủy nên chưa thể có số liệu về phương tiện thủy bỏ đăng kiểm.
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, vài năm gần đây, tình trạng phương tiện thủy không quay lại đăng kiểm định kỳ xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương. Hiện, Cục Đăng kiểm VN vẫn định kỳ thống kê, thông báo danh sách cụ thể phương tiện đã hết hạn đăng kiểm ở từng địa phương trên trang điện tử, nhằm cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng địa phương để thuận tiện trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Các phương tiện loại lớn đã được dán tem, gắn số đăng kiểm như đối với ô tô. Việc đăng kiểm được thực hiện tại chỗ, thời gian theo yêu cầu của chủ phương tiện. Các chi cục đăng kiểm chủ động thống kê, thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện, nhưng số phương tiện quay lại đăng kiểm vẫn thấp”, ông Học nói.
Đề cập giải pháp, ông Đỗ Trung Học cho biết, Cục Đăng kiểm VN đang xây dựng phần mềm quản lý phương tiện thủy và tới đây sẽ dán tem, đánh số đăng kiểm đối với phương tiện cỡ nhỏ để thống kê, quản lý tốt hơn, cũng như yêu cầu các đơn vị đăng kiểm nâng cao tinh thần phục vụ. Trong năm 2018, cục phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục ĐTNĐ Việt Nam tập trung chỉ đạo lực lượng liên ngành toàn quốc mở các chuyên đề tuyên truyền, xử lý vi phương tiện quá hạn đăng kiểm.
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi các lực lượng chức năng có đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT đường thủy, tỷ lệ phương tiện thủy quay lại đăng kiểm tăng cao hơn nhiều so với các đợt khác”, ông Học nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận