Chiếc tàu bơm cát neo đậu sát bờ kè, bị mắc cạn đang chờ thủy triều lên để lưu thông |
Kênh Chợ Gạo dài trên 28km là tuyến đường thủy huyết mạch quan trọng, mỗi ngày có khoảng 1.300 phương tiện chở hàng hóa lưu thông từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về TP.HCM. Gần đây, tình trạng sạt lở kênh Chợ Gạo đã đến mức báo động, khiến người dân lo sợ…
Đêm không dám ngủ lo nhà sập
Thời gian gần đây, mưa to kết hợp triều cường đã gây sạt lở nghiêm trọng trên kênh Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Hàng chục nhà dân sống ven tuyến kênh thuộc huyện Chợ Gạo bị thủy triều xâm thực, có nguy cơ sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào.
Bà Trần Thị Mỹ Dung, ở ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt cũng như hàng chục hộ dân khác sống dọc bờ kênh lo lắng: “Người dân ở đây sống trong bất an, lo nhất là các em học sinh đi học hàng ngày. Đề nghị các cấp chính quyền sớm có đường cho dân đi, làm kè chống sạt lở cho người dân…”.
Khu vực sạt lở nhiều nhất thuộc xã Bình Phục Nhứt, xã Bình Phan, Xuân Đông... của huyện Chợ Gạo với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Riêng khu vực đã được kè đá giai đoạn I của Dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo không xảy ra sạt lở, do những rọ đá phủ kín mặt đê, nước không thể xói vào bên trong. |
Có nhà nằm trong điểm “nóng” sạt lở, ông Huỳnh Minh Hòa, ngụ xã Bình Phục Nhứt trình bày: “Phía trước nhà tôi thường xuyên bị sạt lở, hồi trước mé sông nằm ngoài kia nay đã tới cột nhà. Đêm tôi cũng không dám ngủ say vì lo nhà sập xuống sông. Tôi kiến nghị, chính quyền cho di dời trước vì lở quá mức rồi…”.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, không chỉ bờ kênh bị sạt lở, lòng sông hiện đã hẹp khi thủy triều xuống đã gây cản trở lưu thông, nhất là vào ban đêm. Bà Phạm Thị Hoa, chủ bến đò Ninh Đông, ấp Ninh Đông, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết, gia đình bà đưa đò ở đây nhiều năm nên biết rất rõ nhiều sà lan mắc cạn. “Thường vào thời điểm buổi chiều hoặc đêm khuya, lúc đó thủy triều xuống dẫn đến sà lan, tàu bị mắc cạn gây ùn tắc giao thông kéo dài khoảng 4 - 5 tiếng. Đáng nói, những lúc như vậy nhiều chủ phương tiện thiếu ý thức, điều khiển phương tiện chạy sát mép bờ kè đoạn huyện Gò Công Tây, kéo bung gây hư hỏng nhiều rọ đá bờ kè mới thi công xong”, bà Hoa nói.
Người dân huyện Chợ Gạo cho biết, nhiều rọ đá bị tàu, sà lan kéo hư hỏng khi thủy triều xuống |
Cần phải cương quyết
Ông Bùi Nam Trân, cán bộ Trạm Quản lý đường thủy nội địa kênh Chợ Gạo khẳng định, tình trạng phương tiện bị mắc cạn trên kênh Chợ Gạo xảy ra chủ yếu là sà lan; Tập trung nhiều nhất ở khu vực xã Quơn Long, thị trấn Chợ Gạo, xã Tân Thuận Bình. Nguyên nhân một phần do đáy sông bị cạn, kèm theo đó là phương tiện chở quá mớn nước từ 4m trở lên, trong khi kênh Chợ Gạo chỉ cho phép sà lan chở không quá mớn nước 3m, lưu thông trên kênh. Cũng theo ông Trân, hiện mỗi ngày có khoảng 1.300 phương tiện chở cát, đá, gạo… lưu thông qua kênh Chợ Gạo. Trong đó, phương tiện sà lan loại từ 1.000 tấn trở lên rất nhiều.
“Để tránh ùn tắc giao thông trên kênh Chợ Gạo, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm soát, cương quyết xử lý các phương tiện chở quá tải không được phép vào, ngay từ đầu vàm Kỳ Hôn”, ông Trân đề xuất,
Theo ông Phan Vĩnh Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng hiện nay, tỉnh sẽ sử dụng ngân sách địa phương tiến hành đóng cừ, gia cố chống sạt lở ở nhưng nơi cấp bách. Bên cạnh đó, Sở sẽ có biện pháp chấn chỉnh những sà lan chở quá tải gây sạt lở…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận