Ủy ban ATGT Quốc gia cũng vừa có chỉ đạo, yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên khẩn cấp báo cáo, tìm giải pháp kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện này.
TNGT nghiêm trọng liên quan đến môtô ngày càng tăng
Sau những ngày thực hiện cách ly vì Covid-19, TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy lại bùng phát tại vùng nông thôn Tây Nguyên. Mới đây nhất là vụ TNGT chiều 10/5, tại tỉnh lộ 725 thuộc huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 2 người bị thương.
Tại Gia Lai, chỉ đêm ngày 3 và rạng sáng 4/5, trên địa bàn huyện Đức Cơ đã xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến xe môtô làm 6 người chết, 1 người bị thương. Theo đó, khoảng 21h55 ngày 3/5, anh Kpuih Sie Nhân (SN 2002, trú tại làng Lung, xã Ia Kriêng) điều khiển xe mô tô BKS 81B1-249.63 lưu thông hướng từ thị trấn Chư Ty đến xã Ia Kriêng đã va chạm với xe môtô không có BKS do Rơ Mah Thuân (SN 2006) điều khiển lưu thông ngược chiều, chở theo anh Kpuih Hoan và anh Ksor Nhiên. Hậu quả, anh Thuân tử vong tại chỗ, anh Nhân và Nhiên tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện, anh Hoan bị thương.
Tiếp đó, lúc 0h15 ngày 4/5 cũng trên đoạn đường từ thị trấn Chư Ty đến xã Ia Kriêng lại xảy ra vụ TNGT giữa hai xe môtô làm 3 người tử vong trên đường đi cấp cứu.
Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum cho biết: TNGT liên quan đến môtô, xe gắn máy xảy ra tại nông thôn ngày càng tăng mạnh. Năm 2019 Kon Tum xảy ra 68 vụ TNGT thì đến 53 vụ liên quan đến môtô, chiếm 77,94%. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm tỷ lệ này còn cao hơn, với 22/25 vụ liên quan đến môtô, xe gắn máy (chiếm 88%).
Cũng theo ông Hướng, tỷ lệ người chết và người bị thương do TNGT trên địa bàn tăng hơn cao cả số vụ cho thấy tính chất nghiêm trọng của các vụ TNGT. Cụ thể, năm 2019 có đến 50 người chết do TNGT liên quan đến môtô (chiếm 79,36%) thì 4 tháng đầu năm 2020 tăng lên 86,95% tổng số người chết do TNGT. Trong khi đó, năm 2019 tỷ lệ người bị thương trong các vụ TNGT liên quan đến môtô, xe gắn máy là 63,63% thì 4 tháng đầu năm tăng lên 100%.
Nhận diện nguyên nhân, gắn trách nhiệm người đứng đầu
Trước tình hình TNGT liên quan đến môtô đáng báo động tại các tỉnh Tây Nguyên, mới đây Ủy Ban ATGT Quốc gia đã có chỉ đạo, yêu cầu các tỉnh này nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, từ đó có kế hoạch, giải pháp ngăn chặn.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đã xác định được một số nguyên nhân như ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, còn chủ quan phóng nhanh, vượt ẩu khi vắng bóng lực lượng chức năng hoặc nhiều người vẫn có thói quen xấu điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT ở nhiều địa phương chưa được duy trì thường xuyên, có chiều sâu, chưa phù hợp các đối tượng, đặc biệt đối với thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, do lực lượng mỏng nên CSGT không thể bao quát kiểm tra, xử lý ở khắp các địa bàn, trong đó có các tuyến đường nông thôn.
“Đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT và biên soạn bộ tài liệu ATGT dành cho thanh, thiếu niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung dễ nhớ, dễ làm theo”, ông Thắng nêu ý kiến.
Một số địa phương tại Tây Nguyên thì đề xuất việc cần làm ngay là phải có cơ chế, kinh phí hỗ trợ thu hồi, thay thế môtô, xe gắn máy kém chất lượng ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng và triển khai các đề án cải tạo, bảo đảm ATGT tại các nút giao giữa quốc lộ, đường tỉnh với đường giao thông nông thôn...
Ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: “Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp chính quyền, cũng như người đứng đầu các tổ chức thành viên Ban ATGT tỉnh, yêu cầu sâu sát hơn nữa trong công tác chỉ đạo, tổ chức các giải pháp đảm bảo ATGT. Đặc biệt phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong việc giáo dục, khuyên bảo người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên chấp hành các quy định khi tham gia giao thông”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của Ban ATGT các tỉnh Tây Nguyên, Ủy Ban ATGT Quốc gia sẽ tổng hợp các kiến nghị, nghiên cứu xây dựng các giải pháp hiệu quả nhất, chỉ đạo các tỉnh thực hiện với mục tiêu 6 tháng cuối năm 2020 sẽ kéo giảm TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy trên địa bàn nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo ông Hùng, có những địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, TTKS, xử lý vi phạm từ tỉnh đến thôn, bản; chưa phát huy được vai trò từ những người uy tín trong cộng đồng hay các bậc phụ huynh. Thậm chí, có lãnh đạo địa phương chưa thực sự coi trọng công tác đảm bảo ATGT. Đây là những vấn đề cần chấn chỉnh mới hi vọng kéo giảm TNGT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận