Lấy đau thương để làm gương
Chỉ một vụ TNGT hôm 25/10 tại đường liên xã qua địa bàn xã Ia Lâu, Chư Prông (Gia Lai) đã cướp đi sinh mạng của 4 người còn rất trẻ.
Tất cả các nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số sinh sống tại Chư Prông. Người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 13 tuổi, người lớn nhất 22 tuổi.
Những thanh niên này đều là trụ cột trong gia đình nên sự ra đi của họ không chỉ mang lại đau thương mà còn khiến người ở lại đối mặt tương lai bất định.
Ông Rơ Mah Danh, người thân của một trong số 3 nạn nhân vụ TNGT tại làng Tu đã không khỏi tiếc nuối: "Chúng còn trẻ quá. Gia đình kinh tế đều do mấy thanh niên này cả".
Còn ông Ksor Glúp (già uy tín làng Tu, xã Ia Lâu) khi trao đổi với phóng viên cũng chỉ biết lắc đầu.
"Thanh niên và cả mấy cháu thiếu niên nữa bữa nay nhiều đứa ham chơi lắm. Nghỉ học sớm, đi làm rồi tụ tập ăn nhậu. Nhậu vào rồi lại chạy xe máy ầm ĩ làng xóm, khiến ai cũng khó chịu khi tiếng nẹt pô vang lên.
Thôn, làng cũng tổ chức họp mãi, nhắc mãi về vấn đề cẩn thận khi tham gia giao thông. Vậy mà các thanh niên trong làng cứ thích mua xe mạnh, chạy cho nhanh.
Nhậu vào rồi đầu thì không chịu đội mũ bảo hiểm. Cứ thế chạy. Bây giờ tai nạn làm chết nhiều người làng một lúc ai cũng buồn. Trong làng xảy ra chuyện như vậy. Buồn lắm", ông Glúp nói và cho biết thêm: "Từ vụ TNGT, làng sẽ lấy câu chuyện đau thương này ra để làm gương. Để răn thanh - thiếu niên biết sợ".
Nhiều biện pháp đồng bộ
Tại Gia Lai, tình trạng thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số tham gia giao thông, khi không đủ điều kiện dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng diễn ra khá phổ biến.
Mặc dù lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền nhưng nhận thức của đồng bào về ATGT vẫn còn hạn chế, khiến tai nạn nghiêm trọng xảy ra thường xuyên.
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, số liệu TNGT hằng năm đều thống kê về các chỉ số có liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số.
Gần đây nhất, số liệu tổng kết công tác ATGT trong 9 tháng đầu năm 2023 (15/12/2022-15/9/2023) có tới 90/229 vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số , chiếm 39,3%.
Trong đó, 71/153 người tử vong là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tới 41,46% tổng số người chết do TNGT xảy ra tại Gia Lai trong thời gian trên.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Hữu Hiếu, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: "Trong nhiều năm qua, TNGT liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, số vụ và hậu quả vẫn ở mức cao. Đặc biệt, số vụ TNGT đối với lứa tuổi thanh - thiếu niên dân tộc thiểu số có dấu hiệu tăng lên".
Theo ông Hiếu, nguyên nhân là do một số nơi, gia đình buông lỏng quản lý con em, để các em điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX.
"Sắp tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền cũng như triển khai biện pháp để làm sao có thể ngăn chặn tình trạng trên", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã và đang tận dụng vai trò của các già làng, người có uy tín sinh sống trong cộng đồng người dân tộc thiểu số để vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó có chấp hành các quy định về ATGT.
"Thời gian tới, Văn phòng Ban ATGT sẽ tiếp tục tham mưu với cấp trên những giải pháp căn cơ trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo ATGT tại khu vực nông thôn.
Đặc biệt chú trọng hơn nữa tuyên truyền trong học sinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh Gia Lai cũng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm tại các đường giao thông nông thôn", ông Hiếu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận