Thị trường

“Bão” giá xăng dầu đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng vọt

28/02/2022, 13:58

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021.

Theo Tổng cục Thống kê, những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 2/2022 tăng vọt là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Có tới 10 trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính ghi nhận tăng giá so với tháng trước. Tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 2,35%) so với tháng trước, tập trung vào những mặt hàng sau: Giá xăng, dầu tăng 5,8% so với tháng trước làm chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 0,21 điểm phần trăm do ảnh hưởng của 3 đợt tăng giá vào ngày 21/1/2022, 11/2/2022 và ngày 21/2/2022.

img

Giá xăng dầu phá "đỉnh" khiến các nhóm hàng hóa khác cũng tăng cao. Đẩy CPI hai tháng đầu năm tăng tới 1,68%

Giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách.

Giá vé tàu hỏa tăng 7,95% so với tháng 1/2022 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đối với tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội vào những ngày trước Tết Nguyên đán và từ ngày mùng 4 Tết giá vé tăng đối với tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,91%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 1,34% do nhu cầu đi lại, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện du xuân tăng.

Một số nhóm tăng giá cao tiếp theo là nhóm thực phẩm (tăng 1,69%); Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng (1,68%); Nhóm ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,54%)...Chung quy lại, phần lớn do giá xăng dầu tăng cao tác động lên các nhóm hàng hóa khác.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá trao đổi với Báo Giao thông rằng, những tác động bất lợi của giá xăng dầu tăng là không hề nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đối phó nhằm giảm thiểu những tác động.

Quan trọng nhất là thực hiện chiến lược sử dụng xăng dầu của nền kinh tế và của DN. Sử dụng xăng, dầu hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí, giảm suất tiêu hao gắn liền với nâng cao hiệu suất sử dụng xăng, dầu trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Còn cơ quan điều hành giá cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp bình ổn giá để kiềm chế mức độ tăng giá quá cao, nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi do nó gây ra.

Cụ thể như: Áp dụng đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, trong đó có biện pháp điều chỉnh tăng giá có mức độ, kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá, xem xét giảm thuế, phí ở mức độ nhất định và tùy loại đối với thuế nhập khẩu, VAT, thuế bảo vệ môi trường.

Như năm 2002 và 2005 chúng ta đã từng giảm thuế nhập khẩu về mức 0% khi cú sốc tăng giá của giá thị trường thế giới xẩy ra.

Kể cả việc giảm lãi suất vay vốn, giảm lợi nhuận của DN kinh doanh xăng dầu để chia sẻ lợi ích, khó khăn giữa các thành tố tham gia thị trường trong những thời điểm giá thị trường có những biến động bất thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.