Ban hành cáo trạng truy tố Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác trong vụ án xảy ra tại doanh nghiệp này và một số đơn vị, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao cáo buộc ông Quyết đã nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros từ con số ban đầu là 1,5 tỷ lên tận 4.300 tỷ.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Quá trình tố tụng, cơ quan chức năng xác định được 30.403 nhà đầu tư mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS từ lần bán ra ban đầu của Trịnh Văn Quyết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, với tổng giá trị thu về là 4.818 tỷ.
Các nhà đầu tư này đã chi tiền thật để mua cổ phiếu ROS của Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán. Song họ không biết cổ phiếu đã bị ông Quyết và các đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối nâng khống về giá trị. Do đó, những nhà đầu tư này là bị hại của vụ án.
Giai đoạn điều tra, cơ quan tố tụng áp dụng các biện pháp ủy thác điều tra. Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKS cũng nhiều lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị người bị hại mua cổ phiếu ROS khai báo, lấy lời khai để xem xét, giải quyết.
"Tuy nhiên, đến nay mới xác định được 133 bị hại trong tổng số 30.403 bị hại sở hữu 627.090 cổ phiếu ROS (hình thành từ vốn góp khống), với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỷ đồng", hồ sơ vụ án nêu.
Hiện nay, chỉ có 95 bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Họ sở hữu 381.670 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.
Còn ở tội danh thao túng thị trường chứng khoán, VKS kết luận bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC. Qua đó, họ thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, nhà chức trách trưng cầu giám định để xác định số tiền thiệt hại cho các nhà đầu tư mua 5 mã chứng khoán nói trên. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không có căn cứ để xác định thiệt hại này.
Theo kết luận giám định của Bộ Tài chính, chưa có căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và các bị can khác gây ra.
Bởi lẽ, giao dịch của các nhà đầu tư diễn ra thường xuyên, có thể mua bán liên tục một mã cổ phiếu trong thời gian dài. Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán cùng một mã cổ phiếu, họ bán cổ phiếu mua thời điểm nào và mua của ai là không thể xác định. Do đó, không có cơ sở để đánh giá chính xác nhà đầu tư bị lỗ do bán cổ phiếu đã mua của nhóm Trịnh Văn Quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận