Thiệt hại lớn, có nguyên nhân do chủ quan
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật đến 14 giờ hôm nay 8/9, số người chết do bão số 3 Yagi là 14 người. Nguyên nhân người chết do bão là 8 người; sạt lở đất 6 người (Quảng Ninh 4, Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hoà Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 1).
Người mất tích 1 người, do lũ cuốn (Bắc Giang); 220 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 40, Hải Dương 5, Hà Nội 4, Bắc Giang 4, Lạng Sơn 4, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hoà Bình 1, Thanh Hoá 2).
25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 7.394 nhà ở bị hư hỏng; 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ...
97.735 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 6.902 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác triển khai ứng phó với bão, thiệt hại do bão gây ra vẫn còn rất lớn, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Mặc dù đã sớm nắm bắt diễn biến của bão và chỉ đạo từ sớm, từ xa, các địa phương đã vào cuộc sớm, quyết liệt và chủ động trong thông tin cảnh báo đến người dân về diễn biến của bão, cũng như công tác chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên đây là cơn bão rất mạnh, đổ bộ với thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh nên thiệt hại vẫn còn rất lớn, nhất là tài sản.
Một số chủ tầu và các thuyền viên chưa tuân thủ hướng dẫn, kêu gọi của chính quyền và cơ quan chức năng phải lên bờ khi bão đổ bộ, dẫn đến bị mất tích, không liên lạc được khi neo tầu bị đứt, trôi dạt.
Chính quyền khuyến cáo người dân không lưu thông trên đường khi bão đổ bộ nhưng vẫn có tình trạng người dân lưu thông dẫn đến thiệt hại đáng tiếc do cây đổ. Chưa thực hiện nghiêm túc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,.. dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.
Tiếp tục bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh sau bão
Bộ NN&PTNN cho biết, hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi đến 400mm.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương, trong đó:
Vùng đồng bằng, ven biển, tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn.
Triển khai tất cả các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tầu thuyền bị đứt neo trôi dạt và người còn mất tích trên biển; tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương.
Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học. Dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão...
Khu vực miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận