Sáng 2/10, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng - đợt 12, gắn với khai mạc lễ hội Katê năm 2024 diễn ra tại di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài (TP Phan Thiết).
Tại buổi lễ, ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Khu di tích tháp Chăm Po Dam (nơi phát hiện Linga vàng) tọa lạc trên sườn núi Ông Xiêm thuộc địa bàn xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.
Nhóm tháp Po Dam đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996.
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013 - 2014, Sở đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức hai đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên nhóm đền tháp Chăm Po Dam.
Qua các đợt khai quật khảo cổ phát hiện nhiều kiến trúc quan trọng trong khuôn viên Khu tháp quý giá.
Cụ thể khai quật đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị như: phiến đá chạm khắc chữ Chăm cổ dạng bia ký. Kết quả phân tích nội dung cổ tự trên phiến đá cho biết niên đại xây dựng tháp vào khoảng năm 710.
Đây là phát hiện mới vô cùng quan trọng, góp phần xác định niên đại xây dựng Khu tháp vào đầu thế kỷ VIII, tương đương với nhóm kiến trúc Mỹ Sơn E1, Mỹ Sơn C7 ở Quảng Nam.
Đặc biệt, đợt khai quật khảo cổ tại di tích tháp Po Dam lần này đã phát hiện Linga vàng và nhiều hiện vật khác có giá trị như: bệ yoni, bàn nghiền; các loại nhạc khí như: chuông, chũm choẹ, lục lạc, nhẫn mưta, gương đồng, rìu, giáo.
Các cổ vật được phát hiện góp phần khẳng định thêm giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm tại di tích tháp Po Dam.
Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận chi biết: Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều di sản văn hoá Chăm ở Bình Thuận đã được Nhà nước xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy có hiệu quả.
Trong đó có hai ngôi tháp và ba ngôi đền thờ được xếp hạng di tích quốc gia, năm ngôi đền thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh, hai di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, nghề làm gốm truyền thống của người Chăm đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
"Linga vàng phát hiện qua khai quật khảo cổ tại tháp Po Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Có thể nói đây là niềm vui, vinh dự và tự hào lớn lao của cộng đồng người Chăm chúng tôi, khi mà di sản văn hóa do cha ông tạo lập, vun đắp và để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay thừa kế, gìn giữ", Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn nói.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày, thờ phụng hàng chục ngàn hiện vật, cổ vật, tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tại Bảo tàng, các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận