Đường sắt

Bảo vệ trên tàu hi sinh sẽ được xem xét là liệt sĩ

01/07/2018, 10:35

Theo Nghị định 75 có hiệu lực từ 1/7, bảo vệ trên tàu sẽ được xem xét công nhận liệt sĩ khi hi sinh.

bao-ve-tren-tau

Theo Nghị định 75, lực lượng bảo vệ trên tàu sẽ được xem xét công nhận là liệt sĩ nếu hi sinh - Ảnh Internet

Hôm nay (1/7), Luật Đường sắt 2017 và nhiều Nghị định, Thông tư mới về lĩnh vực đường sắt bắt đầu có hiệu lực. Trong đó có Nghị định 75/2018 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và tranh phục, phù hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu.

Theo Nghị định 75, quyền hạn của lực lượng bảo vệ trên tàu được quy định cụ thể là: Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người thuê vận tải, hành khách đi tàu chấp hành quy định của pháp luật về ATGT đường sắt. Kiểm soát người lên xuống tàu, kiểm tra hành lý, hàng hóa vận chuyển trên tàu. Bắt người phạm tội quả tang. Tham gia xác minh những vụ việc xảy ra trên tàu…

Lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa cũng được hưởng các quyền lợi, chế độ và chính sách như: Được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ và chuyên môn kỹ thuật thuộc lĩnh vực công tác đang đảm nhận; Được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và các loại trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định này để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

"Trong trường hợp thi hành nhiệm vụ, nếu bị thương, bị hy sinh, bảo vệ trên tàu được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng", Nghị định 75 nêu rõ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Cường, Phó ban An ninh quốc phòng - ATGT Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, so với Nghị định 55/2006 trước đây, về cơ bản, tinh thần và nội dung giống nhau, nhưng Nghị định 75 quy định chi tiết hơn. Điểm mới của Nghị định 75 là quy định cụ thể hơn về thời gian, nội dung huấn luyện lực lượng bảo vệ trên tàu do Bộ Công an thực hiện, trong đó định kỳ 3 năm phải bổ cứu huấn luyện. Hơn nữa, các trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ cũng được quy định cao hơn, nhiều hơn.

Về chế độ chính sách, nếu như Nghị định 55 quy định rõ: “Trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương, hy sinh, được áp dụng tiêu chuẩn là thương binh, liệt sĩ và được hưởng chính sách như đối với thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật” thì Nghị định 75 chỉ quy định là “xem xét và có thể được công nhận”. “Thực ra đây là quy định mới theo ý kiến của Bộ LĐTB&XH và việc quy định như vậy không chỉ áp dụng cho lực lượng bảo vệ trên tàu; các lực lượng công an, quốc phòng cũng vậy, phải xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể”, ông Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.