5 giờ sáng ngày 13/2/2017, bên thềm biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành uỷ Hội An cùng ông Lê Trí Thanh (Phó chủ tịch UBND tỉnh, nay là Chủ tịch) kính cẩn thắp nhang, “lạy cát” biển Cửa Đại.
Hình ảnh cùng thông tin được nhà báo Trần Tuấn (Báo Tiền phong) chụp, đăng tải trên báo chí lúc bấy giờ gây ngỡ ngàng nhiều người.
Cát, tự bao giờ trở thành nỗi ưu tư của cư dân nơi “mặt tiền” hướng biển Quảng Nam này!
Tàu cao tốc chuẩn SB trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm
Không phải ngẫu nhiên, sau mỗi đợt bão lũ, bờ biển Cửa Đại lại bị xói lở, xâm thực nghiêm trọng. Biển ăn sâu vào bờ, tàn phá đến chân các công trình, resort.
Nỗi lo xói lở chưa hết, năm 2017, Hội An bất ngờ phát hiện cồn cát khổng lồ có tên Khủng Long "mọc" giữa biển Cửa Đại. Điều lạ là theo ghi nhận của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cồn cát này hàng năm biến động liên tục, không cố định. Đến nay, cồn cát nằm trước Cửa Đại.
Điều bất an về cát thêm cơ sở khi hình ảnh tàu cao tốc QNa-1152 vỡ toác mũi, phần đầu biến dạng khi gặp tai nạn chiều 26/2 mới đây vừa được kéo lên phía bờ. Vụ lật tàu khiến 17 người tử vong. Đau thương, nước mắt như nhuộm màu biển Cửa Đại.
Du lịch Hội An chưa kịp khôi phục sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giờ bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm.
Nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng, điều tra làm rõ. Nhưng theo nhận định của Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn, vụ tai nạn khả năng lớn liên quan đến cồn cát Khủng Long. Tàu bị vỡ mũi, mạn sườn chứng tỏ phải gặp vật cản rất lớn, chứ không thể do sóng biển.
Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân ra sao thì phải chờ kết luận điều tra. Nhưng để đảm bảo an toàn, ổn định cho hoạt động vận tải khách du lịch tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, địa phương đề xuất cấp thiết tăng cường tần suất khảo sát, nạo vét luồng lạch và điều chuyển luồng lạch theo thực tế với thời gian điều chỉnh ngắn hơn. Đồng thời, chủ động khảo sát thêm luồng tuyến mới phía Nam, tránh những cồn cát mới.
Không chỉ bất an về cát, chuyến tàu du lịch định mệnh cướp đi 17 sinh mạng vừa qua cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về loạt quy trình, quy định quản lý, vận hành tuyến du lịch ra đảo.
Tìm hiểu của PV, trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm có hơn 100 tàu cao tốc chuẩn SB, công suất 400CV, sức chở khoảng 35 hành khách (chưa kể thuyền viên). Mỗi chuyến tàu xuất bến do 4 lực lượng trực tiếp điều hành, cấp phép.
Trong đó, lực lượng Biên phòng quyết định lịch trình tàu chạy căn cứ theo diễn biến thời tiết (các tàu hoạt động trong điều kiện tối đa gió cấp 5).
Đội quản lý bến thuỷ nội địa thuộc Thanh tra giao thông tỉnh Quảng Nam sẽ cấp giấy phép rời bến ra đảo Củ Lao Chàm. Còn Ban quản lý bến thuỷ nội địa Cù Lao Chàm thuộc UBND xã Tân Hiệp (Hội An) cấp phép về Cửa Đại cho các tàu đủ điều kiện.
Mũi, mạn tàu QNa-1152 bị nứt toác, biến dạng
Quy trình xem ra chặt chẽ là vậy, nhưng việc triển khai theo hướng thủ công. Việc ra thông báo này từ trước tới nay chỉ qua điện thoại.
Trong khi, thông tin thời tiết được cập nhật không liên tục, không chi tiết đến tiểu vùng khí hậu… đang là nỗi lo, là lỗ hổng trong hoạt động vận tải khách ra Cù Lao Chàm.
Theo các ngư dân, thời tiết nơi cửa sông, cửa biển có đặc thù riêng, thay đổi bất thường và hay xuất hiện các xu hướng bất lợi, nhưng rất khó để cảnh báo. Nhiều nhân chứng kể lại, tàu cao tốc QNa-1152 bị lớp sóng cao từ cồn cát ngoài biển tạt trúng khiến lật úp...
Đáng kể, đội tàu du lịch tuyến Hội An-Cù Lao Chàm được tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án nâng cấp, đổi mới chất lượng, thay thế từ ca nô lên tàu cao tốc chuẩn SB. Nhưng thực tế với thiết kế theo quy chuẩn đóng kín, hạn chế độ hở, thu hẹp khoang hành khách… đang tạo bất lợi nhất định cho công tác thoát hiểm và cứu nạn.
Hội An - Cù Lao Chàm, tuyến du lịch biển đảo sầm uất nhất của Quảng Nam từng có những ngày cao điểm đón 7- 8.000 lượt khách. Đến nay Hội An quy định tối đa chỉ phục vụ đến 3.000 lượt khách/ngày. Với 100 con tàu cao tốc, mỗi ngày có biết bao nhiêu chuyến tàu qua lại Hội An - Cù Lao Chàm.
Năm nay, Quảng Nam lại đăng cai Năm du lịch Quốc gia. Bởi thế, việc đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu cao tốc càng trở nên bức thiết hơn.
Chừng nào những lo lắng về an toàn của tàu cao tốc chưa được giải quyết, chừng đó nhiều người chắc hẳn vẫn sẽ còn cảm thấy bất an.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận