Vừa đến quán nước, anh bạn vội cất giọng cục cằn: “Vừa bị CSGT phạt chỗ nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến (Hà Nội) vì tội lưu thông không đúng làn đường”.
Thừa nhận mình sai vì đi thẳng, lại dừng xe chờ đèn đỏ ở làn rẽ từ Phạm Hùng vào đại lộ Thăng Long nhưng anh bạn cho rằng, làn đi thẳng có 2,3 làn bị ô tô dàn ra thành hàng, thành tầng chiếm hết. Đèn xanh khu vực này chỉ có hơn 20 giây, xe máy cứ bám đuôi ô tô thì đợi mấy nhấp đèn đỏ 100s mới đi được nên buộc lòng phải vi phạm.
“Mà ức một cái xe máy bị ô tô chiếm hết đường đi CSGT không ý kiến nhưng thấy xe máy sai là phạt tới tấp, không nghe giải thích”, anh bạn nói và bức xúc: “Ra đường bây giờ ô tô choán hết đường. Đường hẹp ô tô cứ hàng ba, hàng bốn, nhiều xe đi sát mép vỉa hè bên phải khiến xe máy không có chỗ nào mà đi. Văn hóa giao thông và quy định về phân làn của mình quá kém”.
Đúng là cách phân định làn đường dành cho ô tô, xe máy hiện nay tại các đô thị rất bất cập. Không phân làn riêng cho ô tô, xe máy đã đành, cái quy định bất thành văn lâu nay là ô tô làn ngoài, xe máy, xe thô sơ làn trong giờ cũng chẳng ai tuân thủ, cứ mạnh ai lấy đi như ong vỡ tổ.
Gần đây, tôi từng gặp cảnh lời qua tiếng lại với một số lái xe ô tô chỉ vì muốn đòi lại quyền lợi cho mình - người đi xe máy. Sau giờ tan sở, tôi di chuyển trên đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, đến ngã tư Xuân Thủy - Trần Thái Tông thì đường tắc cứng. Giữa cảnh hỗn độn, những chiếc ô tô cồng kềnh thay vì xếp hàng đi theo thứ tự lại ra sức hú còi, rồi ngang nhiên vượt lên phủ kín mặt đường, bịt hết từ làn đi thẳng lẫn làn rẽ.
Lối rẽ bị chắn, tôi đã xuống lời qua tiếng lại với một người đi xe ô tô. Dù những người chứng kiến đều lên án kiểu đi đường bất chấp người khác của tài xế ô tô, nhưng xét theo luật, CSGT đến giải quyết nhưng cũng không xử phạt được vì đây là làn hỗn hợp, ô tô muốn đi thế nào là quyền của ô tô.
Bất cập nhất hiện nay là trục đường Lê Văn Lương - Láng Hạ. Mặt đường vốn đã chật hẹp do phải nhường một phần cho xe buýt nhanh BRT, phần còn lại, gần như là làn của các loại ô tô khác. Xe máy nếu không đi vào làn BRT, không chịu “mang tiếng” cố tình vi phạm vào làn cấm chắc chẳng có lối nào mà đi.
“Về luật, có thể ô tô không sai, song người đi xe máy cũng cần được đối xử công bằng. Việc hình thành cách ứng xử tham gia giao thông của người điều khiển ô tô cần phải xem xét lại”, anh bạn đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận