Đời sống

Bất cập dạy bơi, nghìn trẻ đuối nước

18/06/2019, 10:00

Trong khi hầu hết các địa phương đều thiếu kinh phí đầu tư bể bơi trong trường học, thì tại Hà Nội vẫn còn một số bể bơi xây xong rồi bỏ không.

img
Huấn luyện viên hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các em học sinh trường Tiểu học thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - Ảnh: Hải Đường

Phương pháp, cách thức đào tạo cũng là một lỗ hổng khiến cho tình trạng trẻ em đuối nước vẫn là một nỗi đau nhức nhối…

Hà Nội: Bể bơi tiền tỷ xây xong bỏ cạn

Nằm phía sau dãy phòng học, bể bơi Trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng mới, hai tầng, hiện đại, diện tích hàng trăm mét vuông nhưng không có lấy một giọt nước, bụi bám thành tầng lem nhem.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bể bơi do UBND quận Cầu Giấy đầu tư theo thiết kế tổng thể toàn bộ trường khi xây mới cách đó 2 năm. Tuy nhiên, chỉ có bể, không có các trang thiết bị khác nên từ đó đến nay vẫn đóng cửa. Phụ huynh rất mong muốn cho bể bơi hoạt động nhưng trường không đủ khả năng tài chính để vận hành. “Để vận hành bể bơi phải vài tỷ thì trường không có kinh phí”, bà Hà nói.

Bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho hay, trên địa bàn quận có 6 bể bơi trường công lập do UBND quận lấy từ nguồn ngân sách xây dựng, còn lại là ngoài công lập xây dựng trên địa bàn các phường. Có 3 bể bơi hoạt động tại các trường THCS Nghĩa Tân, Tiểu học Dịch Vọng B và THCS Cầu Giấy. Ba bể chưa đưa vào hoạt động là tại trường Tiểu học An Hòa, THCS Dịch Vọng và THCS Mai Dịch. Khi PV đặt câu hỏi vì sao 3 bể trên chưa được đưa vào sử dụng, bà Tịnh hẹn trả lời sau.

Cứu người đuối nước thế nào cho an toàn?

Anh Hán Đức Thành, Phó chủ nhiệm hồ bơi Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết: Việc học bơi trong hồ hoàn toàn khác biệt với sông nước, kênh rạch vì bơi trong hồ thường là nước tĩnh còn môi trường sông, biển, ao, hồ thường có dòng chảy khác nhau, vật cản, chướng ngại vật. Do vậy, tùy vào hoàn cảnh có thể áp dụng các kiểu bơi khác nhau cho phù hợp. Trong quá trình học, ngoài việc biết bơi, các em được trang bị, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống khi có sự cố bất ngờ rơi xuống sông, rạch.
Trên sông nước, khi cứu nạn một người đang vùng vẫy bị đuối nước, nếu gần bờ thì dùng cây sào hoặc phao, vật nổi quăng xuống cho nạn nhân bấu víu. Nếu tiếp cận trực tiếp với nạn nhân thì phải tiếp cận phía sau dùng một tay nắm giữ cổ áo, thậm chí nắm tóc bơi ngửa kéo nạn nhân vào bờ. Khi gặp trường hợp người đuối nước ôm chặt vào người thì người cứu phải bình tĩnh lặn xuống nhấn nạn nhân sâu xuống nước để thoát ra.

Vĩnh Phú

PV Báo Giao thông đặt câu hỏi với Sở GD&ĐT Hà Nội về một số bể bơi xây xong bỏ cạn, gây lãng phí lớn, đại diện sở tỏ ra bất ngờ trước thông tin này, yêu cầu PV cung cấp tên trường để kiểm tra nhưng sau đó vị này chốt lại: “Tốt nhất là xuống Phòng Giáo dục hỏi”.

Trong vai một người có nhu cầu xây dựng bể bơi trường học, PV Báo Giao thông được một doanh nghiệp báo giá xây dựng 3,5-4 triệu đồng/m2. Giá này chưa tính chi phí gia cố nền móng, khung nhà, mái che, cầu thang, lắp miệng cống... Một bể bơi trong trường học có kích thước phổ biến 250m2, riêng chi phí xây dựng đã gần 1 tỷ đồng.

Theo báo cáo phổ cập bơi năm học 2018 - 2019, trên địa bàn TP Hà Nội có 379 bể (tăng 108 bể) so với năm trước; số học sinh biết bơi tăng từ 80.445 lên 114.341 (tăng 33.896 học sinh). Tuy nhiên, báo cáo này chỉ thống kê số bể bơi xây lắp mới mà không đề cập bao nhiêu bể đã được đưa vào sử dụng, bao nhiêu bể sử dụng hiệu quả, bao nhiêu bể bỏ không, số học sinh được dạy bơi so với tổng số học sinh trên địa bàn thế nào; sau khi triển khai phổ cập thì tỉ lệ đuối nước giảm như thế nào…

img
Bể bơi trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn bỏ không sau 2 năm xây dựng xong - Ảnh: Đức Hùng

Dạy bơi phải kết hợp nhiều nguồn lực

Tại Long An, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt song chỉ có 20 hồ bơi và 15 bể bơi. Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Long An cho biết, toàn tỉnh có 259 trường Tiểu học và 138 trường THCS với tổng số gần 18 ngàn học sinh. Qua kiểm tra có 8.201 học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn biết bơi (chiếm 40,6%).

Theo kết quả khảo sát của ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu được thực hiện tại 127 trường tiểu học và 65 trường THCS trên toàn tỉnh, trong tổng số 118.520 học sinh, có 82.670 học sinh chưa biết bơi, chiếm 69,75%. “Các hồ bơi đa phần chỉ phục vụ các em đến tắm hoặc các phụ huynh tự dạy cho con em biết bơi. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy bơi thì khi xảy ra tình huống đuối nước các em không thể tự cứu đuối được”, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH, TT&DL Bạc Liêu nói và cho biết, một trong những giải pháp tới đây là kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi, vừa làm dịch vụ, vừa hỗ trợ mở lớp dạy bơi tại địa phương, trong các trường tiểu học, THCS.

Trong khi đó, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH, TT&DL Cà Mau cho biết, thời gian qua tại Cà Mau có 239.580 trẻ em được học kỹ năng phòng, chống đuối nước, có 6.430 trẻ em biết bơi, trong tỉnh hiện có khoảng 20 hồ bơi. “Thực tế phụ huynh chưa thực sự quan tâm dạy bơi cho trẻ, cho rằng dạy bơi là một môn thể thao thuần túy, chứ chưa xem đây là kỹ năng bắt buộc, liên quan đến tính mạng con người”, ông Hùng nói.

Theo bà Vũ Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH, mặc dù số trẻ tử vong vì đuối nước ở Việt Nam đã giảm xuống còn hơn 2.000 ca mỗi năm, song vẫn cao so với các nước trong khu vực châu Á. 50% vụ đuối nước rơi vào trường hợp gia đình nghèo.

Chia sẻ về việc đưa môn bơi vào trường học, bà Hoa cho biết: Hiện hầu hết các trường không có bể bơi, chỉ có 1 giáo viên thể dục. Do vậy, hiện phải kết hợp nhiều biện pháp để có thể dạy bơi trong trường học.

Ví như Dự án Phòng chống đuối nước cho trẻ em do quỹ Bloomberg tài trợ, tập trung vùng nghèo ở 8 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đuối nước cao. Riêng cho vùng dự án Bloomberg, đã đào tạo 660 hướng dẫn viên dạy bơi an toàn để triển khai việc dạy bơi ở 123 xã/23 huyện/8 tỉnh, thành. Dự kiến, hết năm 2019 sẽ có 8.600 học sinh tiểu học và THCS biết bơi.

Bộ LĐ, TB&XH cùng Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ GD&ĐT phối hợp để đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi (lấy từ các thày cô giáo dạy thể dục ở trường Tiểu học và THCS làm nòng cốt và một số từ các trung tâm TDTT) dạy kỹ năng bơi an toàn… để từ đó, đội ngũ này sẽ lan tỏa xuống cộng đồng. “Tuy nhiên, việc dạy bơi không chỉ riêng trách nhiệm của nhà nước mà cần có sự vào cuộc của cả xã hội và đặc biệt là từ các gia đình. Những gia đình nào có điều kiện cần chủ động đưa con đi học bơi, với gia đình nghèo, chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kinh phí để trẻ tiếp cận học bơi”, bà Hoa nói.

Bà Hoa cho biết thêm, tài liệu chương trình dạy bơi an toàn đã được Cục Trẻ em cùng Tổng cục Thể thao, các chuyên gia hoàn thiện và đang được sử dụng dạy ở các tỉnh. Đồng thời, cũng đã đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi theo tiêu chuẩn an toàn… trên 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cần có thời gian để lan rộng ra cộng đồng trên toàn quốc.

img
Ông Phạm Tất Thắng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng:
3 Bộ có trách nhiệm dạy bơi trong trường học

Khi sửa Luật Thể dục Thể thao, nhiều ĐBQH và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã đề xuất đưa phổ cập bơi, phòng chống đuối nước vào chương trình giáo dục chính thức trong nhà trường. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng môn học này chưa thể thực hiện được do nguồn lực chưa cho phép. Vì chưa thể luật hóa nên không phải nhiệm vụ bắt buộc đối với các nhà trường cũng như ngành liên quan.
Theo phân công nhiệm vụ trong bộ máy quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH được phân công phụ trách lĩnh vực trẻ em song nếu xét đối tượng đi học lại là Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, với chức năng lĩnh vực chuyên môn, Bộ VH-TT&DL cũng có trách nhiệm phổ cập bơi cho trẻ. Tuy nhiên thực tế, công tác dạy bơi trong trường học gần như chưa được triển khai.

Hoàng Ngân (Ghi)

img
Ông Nguyễn Trọng An

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH:
Dạy bơi tự cứu rất quan trọng
Điều quan trọng trong học bơi, dạy bơi là những kỹ năng như bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng: Làm thế nào để trẻ có thể tồn tại dưới môi trường nước như nhịn thở, lấy hơi, nổi… để người lớn đến cứu. Bên cạnh đó là dạy trẻ cách nhận biết môi trường dưới nước nào an toàn, xử lý các tình huống có thể xảy ra dưới nước như thấy bạn đuối nước cần kêu gọi hỗ trợ, hoặc dùng biện pháp gián tiếp để cứu đuối bằng sào, bằng dây… không trực tiếp cứu đuối để tránh những vụ đuối nước chùm nhiều trẻ rất thương tâm.
Dạy bơi tự cứu có 2 bước trên cạn và 2 bước dưới nước. Trên cạn là dạy trẻ kỹ năng biết nín thở trong nước. Trước mặt là chậu thau nước, yêu cầu trẻ úp mặt nín thở, sau đó trẻ có thể nhảy vào thùng phuy nước tập lặn, tập vẫy nước lên xuống lấy hơi đều đặn. Sau 1 tuần trẻ thuần thục kỹ thuật nín thở, nổi, nhô đầu lên thở sẽ thả trẻ xuống nước. Cũng không cần thiết phải có bể bơi mới thực hiện điều này, mà có thể tận dụng sông, hồ, ao an toàn giăng dây, giăng lưới, có giám sát, trẻ sẽ tập đứng nước, ngửa mặt 90 giây… trẻ tập đứng nước duy trì 5 phút đồng nghĩa trẻ sống khi rơi xuống nước… đó là kỹ năng sinh tồn, sau đó trẻ sẽ học tiếp tục các kỹ năng bơi trườn sấp, bơi ngửa…

Hoàng Vân (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.