Tàu hải cảnh chở người Myanmar về nước
Theo thông tin từ hãng Channel New Asia, Malaysia đã trục xuất tổng cộng 1.086 người Myanmar nhập cư vào nước này trở về nước bằng đường biển.
Người Myanmar được tập trung, đưa lên xe bus và xe tải, chuyển tới căn cứ quân sự rồi buộc phải lên 3 tàu hải quân đưa trở về nước.
Malaysia đã thông báo kế hoạch này từ trước đó và vấp phải sự phản đối, chỉ trích kịch liệt từ Mỹ, Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền.
Nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền cho rằng, Malaysia không nên tiếp tục kế hoạch trục xuất tại thời điểm này vì những hành động đó sẽ vi phạm trách nhiệm quốc tế của Kuala Lumpur.
Đồng thời, việc trả người Myanmar về nước giữa tình hình quân đội đang nắm quyền kiểm soát và bất ổn hiện nay sẽ đặt họ vào rủi ro rất lớn.
Ngày 23/2, một tòa án tại Kuala Lumpur đã ra phán quyết yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này tạm ngừng kế hoạch trên để chờ một động thái pháp lý khác.
Tuy nhiên, bất chấp phán quyết, kêu gọi, chỉ trích, chính quyền Kuala Lumpur vẫn thực hiện chuyến tàu trả người Myanmar về nước và không giải thích tại sao họ lại bỏ qua phán quyết của tòa án.
Tổ chức Ân xá, một trong những tổ chức quốc tế đã thách thức pháp lý với Malaysia về kế hoạch trên, chỉ trích:
“Quyết định của Malaysia đẩy hơn 1.000 người và thân nhân của họ vào nguy hiểm, có thể dẫn đến mất mạng, để lại vết nhơ không bao giờ có thể gột rửa trong hồ sơ nhân quyền của Malaysia”.
Trước đó, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Malaysia, ông Khairul Dzaimee Daud từng khẳng định: "Tất cả những người bị trục xuất đều đồng ý quay trở về, không hề bị ép buộc" và trong số đó không có ai thuộc nhóm người thiểu số Rohingya hay người xin tị nạn.
Song, các nhóm nhân quyền vẫn hoài nghi về tuyên bố trên của ông Daud vì cho rằng đây là điều LHQ không thể kiểm chứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận