Sáu tháng hoàn thành kế hoạch cả năm
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là ngân hàng mới nhất hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2020.
Đóng góp vào doanh thu của ngân hàng này là thu thuần từ lãi đạt 2.430 tỷ đồng, tăng 182%; Thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh lên 469,2 tỷ đồng, tăng 311%...
Trước đó, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB cho biết, doanh thu của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 22.900 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ; Trong đó, riêng doanh thu trước dự phòng rủi ro của ngân hàng mẹ đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của MB đã lên 331%
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, MB đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng cao trích lập dự phòng rủi ro. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của MBGroup chỉ ở mức 0,76%, trong đó riêng ngân hàng là 0,58%-mức thấp kỷ lục của ngân hàng này từ trước tới nay, cũng là thấp nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro trên nợ xấu đạt 311% ở mức cao hơn gấp đôi so với mức cuối năm 2020. Hiện MB và Vietcombank là 2 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất hệ thống.
Đáng chú ý nhất là Saigonbank, 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, vì ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021 là 130 tỷ đồng nên đến nay ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.
MSB cũng ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và cũng đã hoàn thành 85% mục tiêu cả năm (3.280 tỷ đồng). VietBank, ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đạt 326 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. PGBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hai quý đầu năm 175 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 56% kế hoạch năm.
Ở khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, ảnh cả ngành ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 25.580 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng, Vietcombank hoàn thành hơn 56% kế hoạch năm.
Còn tại VietinBank, 6 tháng đầu năm ngân hàng ước lãi trước thuế khoảng 13.000 tỷ, hoàn thành hơn 60% kế hoạch năm khi mục tiêu lợi nhuận cả năm nay là 16.800 tỷ đồng.
Sẽ có nhiều kỷ lục dù dịch bệnh?
Trong bối cảnh dịch bệnh, các ngân hàng vẫn tích cực thu từ phân phối bảo hiểm, đa dạng hoá các nguồn thu, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, tăng trưởng mạnh tín dụng...
Đơn cử, đại diện SeABank cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tập trung phát triển các sản phẩm online, thẻ và ứng dụng ngân hàng số SeAMobile để đẩy mạnh nguồn thu.
Còn đại diện MB cho biết, 6 tháng đầu năm, MB đã đưa thị phần thẻ tín dụng quốc tế phát hành mới lên 17%, Top 1 trên thị trường; Có nhiều sản phẩm, dịch vụ nổi trội liên quan chuyển đổi số giúp kết quả kinh doanh ngân hàng tăng trưởng mạnh như ngân hàng tự động thông minh MB SmartBank; ngân hàng đầu tiên ra mắt số tài khoản trùng số điện thoại mở ngay trên app qua eKYC…
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu đã giúp Kienlongbank bứt phá. Ngân hàng này đã bán xong cổ phiếu STB là tài sản đảm bảo của một số khoản nợ xấu hồi đầu năm, giúp nhận lợi nhuận đạt tới hơn 700 tỷ đồng ngay trong quý 1, gấp 12 lần cùng kỳ và hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm…
Đối với việc cơ cấu và xử lý nợ xấu, hiện các ngân hàng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, sau đó trích lập theo lộ trình các năm tới. Do đó, việc chưa phải trích lập mạnh dự phòng nên các ngân hàng sẽ vẫn ghi nhận lợi nhuận khả quan.
Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm, thậm chí thiết lập kỷ lục của chính các ngân hàng đó.
Riêng Vietcombank, nếu đạt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm cũng sẽ thiết lập kỷ lục lợi nhuận của chính Vietcombank và của cả ngành ngân hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận