Giá nhà ven đô lên 160 triệu/m2
Cùng cơn sốt đất thời gian qua, nhà đất Hà Nội tăng chóng mặt. Khảo sát của PV Báo Giao thông đầu tháng 5 cho thấy, một số dự án trên địa bàn huyện Hoài Đức đã vượt mốc 100 triệu/m2. Có những căn liền kề lên đến 200 triệu/m2.
Cách nào "kéo giảm" giá nhà? (ảnh minh hoạ)
Đơn cử như dự án Hinode Park, căn liền kề mặt đường 30m, diện tích 100m2 mặt tiền 5m, chào giá 102 triệu/m2. Căn shophouse đường 33m, diện tích 100m2 mặt tiền 5m chào bán giá 130 triệu/m2. Khảo sát bảng hàng, căn đắt nhất nằm mặt đường 51m, diện tích 153.75m2, giá bán lên tới 260 triệu/m2. Tương tự tại dự án Splendora, căn biệt thự 161m2 cũng đang được chào với giá 22 tỷ đồng (136 triệu/m2).
Bên cạnh đó, nhà đất nằm ngoài các khu đô thị cũng tăng giá trông thấy. Đơn cử như khu đất dịch vụ ven đường vành đai 3.5, trước đó vẫn hàng nhà chào bán từ 70-90 triệu/m2 thì nay cũng đã vượt mốc từ 105 triệu/m2.
Một hộ dân bán nhà 4 tầng, 30m2 tại xóm 14, đường Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội với giá 3 tỷ (100 triệu/m2). Nằm sâu trong ngõ, căn nhà 4 tầng, sâu trong ngõ đường 422B xã Vân Canh cũng được chào bán với giá 2,4 tỷ (60 triệu/m2). Trước đó khoảng hơn 1 năm, khảo sát chung giá đất trên địa bàn xã Vân Canh chỉ khoảng 30 triệu/m2.
Còn theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng vừa công bố, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao, bình quân từ 5-10% so với quý trước.
Sang cuối tháng 3 năm nay, tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15 - 20% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TPHCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.
Giá đất tăng, mang lại lợi nhuận "khủng" cho giới đâu cơ, đầu tư, nhưng đang đẩy người mua nhà có nguồn thu nhập ổn định đi vào "ngõ cụt".
Chị Nguyễn Thị Bích, quê Phú Thọ lo lắng, hai vợ chồng làm lao động trong doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện. Lương tháng hai vợ chồng cũng chỉ vỏn vẹn 15 triệu đồng. Số tiền đó phải chi đủ thứ như bao gồm: Tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, tiền học hành... Nếu tiết kiệm lắm thì cũng chỉ "bỏ lợn" 2 triệu/tháng. "Hiện nay giá chung cư lên đến 40 triệu/m2, căn hộ nhỏ nhất cho một gia đình 4 người khoảng 60m2, giá khoảng 2,4 tỷ. Với mức lương như hiện tại, cop bao giờ mới có thể mua được nhà?", chị Bích chán nản.
Cách nào "kéo" giảm giá nhà?
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), do thiếu cung trong lúc tổng "cầu" rất lớn, mà theo quy luật cung - cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.
Trước thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, giải pháp cấp bách nhằm làm tăng nguồn cung nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để kéo giảm giá nhà và bình ổn thị trường bất động sản.
Trong đó, gỡ vướng cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.
Sau đó cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án, hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng.
Ông Châu cũng đề xuất, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được hoán đổi nhà ở xã hội tương đương quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại để đảm bảo nguồn cung nhà ở xã hội và phù hợp với tình hình thực tiễn...
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, GDP của Việt Nam thấp nhưng giá đất lại thuộc tốp đắt hàng đầu thế giới. Thị trường bất động sản đang không đi theo quy luật cung - cầu. "Cầu cao, cung ít, giá tăng cao, nên vấn đề then chốt nhất là tăng nguồn cung của thị trường bất động sản.
Đồng thời, Luật sư Tuấn cũng kiến nghị, sửa Luật Kinh doanh bất động sản để ngăn chặn đầu cơ bằng việc đánh mạnh vào vấn đề tài chính như thuế, phí và biện pháp kỹ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận