Bất động sản

Bất động sản tiếp đà tăng giá, có nên "xuống tiền" đầu tư?

18/03/2022, 15:55

Bất chấp dịch Covid-19, 2 năm qua, giá bất động sản liên tục tăng cao; nhà đầu tư có nên "xuống tiền"?

Giá đất tiếp tục tăng 20-50%

Theo ghi nhận của PV tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), lô đất thổ cư nằm ở mặt đường của thôn có diện tích 50m2, trước Tết được rao bán ở mức 2 tỷ đồng (40 triệu đồng/m2), thì nay đã tăng lên 2,2 tỷ đồng (44 triệu đồng/m2). Trong khi đó, khu vực tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên), người dân cho biết giá đất đang có dấu hiệu tăng nóng, chênh khoảng 20 - 55 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2021.

img

Lô đất nền Đông Dư, Gia Lâm đang chào bán

Đất mặt tiền Đông Trù (xã Đông Hội) đang được rao bán từ 55-70 triệu đồng/m2; đất thuộc xã Nguyên Khê, ví trí mặt tiền đường hai ô tô tránh nhau cũng đang được chào bán từ 50-60 triệu đồng/m2... tăng 20-30% so với cuối năm 2021.

Hoạt động tìm kiếm, giao dịch đất nền vùng ven Hà Nội cũng đang bắt đầu sôi động ngay sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh, Sơn Tây… Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện tượng tăng giá đất diễn ra từ cuối năm 2021. Trong đó, giá đất nền tại một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như ở các vùng ven đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%)…

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết, hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất tại khu vực nội đô để phục vụ cho các dự án phát triển nhà ở đang ở trạng thái suy kiệt. Trong khi các dự án đất đấu giá đều được “chốt” ở mức cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm. Động thái này khiến thị trường đất nền tăng trưởng nhanh. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ khu vực nội đô sang các khu vùng ven các thành phố lớn. Giá đất cũng nhờ vậy là tăng 30 - 50%.

Năm 2022 là thời điểm tốt để "thoát" hàng

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về hoạt động đầu tư trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia bất động sản cá nhân Trần Minh cho rằng, một nhà đầu tư chuyên nghiệp thì lúc nào cũng có thể đầu tư. Nhưng đối với đa số mọi người (đầu tư không chuyên nghiệp - PV) thì phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích của từng người. Nhìn chung khi thị trường bất động sản hứng khởi thì việc đầu tư dễ mua dễ bán hơn, khi thị trường không tốt việc đầu tư sẽ trở nên khó khăn.

Theo ông Minh, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư bất động sản có nhiều lợi thế. Đơn cử như: Lãi suất ngân hàng thấp (khoảng 7,5%), tổng đầu tư công năm 2022 trên 550 nghìn tỷ đã và đang được giải ngân. Chính trị trong nước ổn định. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng... Tất cả những yếu tố đó đều tác động lên thị trường bất động sản, làm cho giá trị bất động sản gia tăng.

Tuy nhiên, hiện nay bất động sản tăng giá nhanh trên diện rộng. Số vốn đầu tư bất động sản ngày càng lớn, nở rộ ở nhiều phân khúc gây khó cho nhà đầu tư lựa chọn và phân tích khi đầu tư. Ngoài ra một số địa phương, chính quyền chưa chặt chẽ trong vấn đề quản lý đất đai cũng gây rủi ro về pháp lý cho nhà đầu tư.

Do đó, ông Minh khuyên, với người mới đầu tư thì yếu tố quan trọng nhất để bảo toàn vốn là pháp lý. Pháp lý tốt, chủ đầu tư uy tín, mua được ở vùng giá tốt sẽ đảm bảo một thương vụ đầu tư an toàn.

Cùng quan điểm, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro nhận định, năm 2022, thị trường tăng trưởng tốt, giá bất động sản vẫn tăng do thiếu hụt nguồn cung và không nhiều kênh đầu tư an toàn. Nhưng từ giữa năm 2023 thị trường có xu hướng đi xuống.

img

Đất sốt nhưng nhà bỏ hoang tại dự án Lideco Hoài Đức

Ông Thành giải thích, một chu kỳ dài nhất của bất động sản là 5 năm và chu kỳ tốt khoảng 7 năm. Nhưng tính từ năm 2013 đến nay thị trường này đã tăng liên tục tới 9 năm, bất bình thường so với những chu kỳ thường lệ.

Bên cạnh đó, ông Thành chỉ ra 2 lý do khác có thể tác động đến thị trường bất động sản. Đầu tiên là các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô nhằm hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản sau một thời gian tăng trưởng mạnh nhờ gói hỗ trợ kinh tế, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng… Khi nhà nước siết dòng vốn vào bất động sản, thị trường trở nên đói vốn. Thứ hai, khi Covid-19 được kiểm soát, dòng tiền sẽ trải đều vào tất cả các ngành sản xuất. Tiền vào lĩnh vực bất động sản cũng trở nên hạn chế. Do đó ông Thành khuyên nên cân nhắc việc "găm" hàng sang 2023.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác cũng nhận định, năm 2022 - 2023, nhờ những gói hỗ trợ của nhà nước và ngân hàng nên dòng tiền vẫn lưu thông tốt. Đây là điều kiện để những nhà đầu tư đang "găm" đẩy mạnh việc thoát hàng.

Vị này dự báo, bước sang 2024 - 2025, đây là giai đoạn sản xuất đã ổn định, cũng là lúc có nguy cơ lạm phát tăng cao và ngân hàng có khả năng sẽ rút dòng tiền lưu thông bằng cách cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Đây là thời điểm đen tối nhất của thị trường bất động sản, thị trường sẽ giảm sâu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.