Một quan chức thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển Thụy Điển cho biết hai điểm rò rỉ nằm tại vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm còn lại nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Trong đó, 3 điểm rò rỉ được phát hiện từ đầu tuần.
Quan chức thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển Thụy Điển cho hay hai điểm rò rỉ tại vùng đặc quyền kinh tế Thụy Điển nằm khá gần nhau. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ thông tin tại sao điểm rò rỉ thứ 4 lại xuất hiện vài ngày sau khi 3 điểm rò rỉ trước đó được phát hiện từ đầu tuần.
Truyền thông đưa tin điểm rò rỉ thứ 4 nằm trên đường ống Nord Stream 2 nhưng tuần duyên Thụy Điển không xác nhận thông tin này.
Bọt khí từ điểm rò rỉ khí đốt tại đường ống Nord Stream lan rộng trên mặt biển gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Ảnh - AP
Trước đó, Thụy Điển xác nhận 1 điểm rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 gần đảo Bornholm của nước này trong khi Đan Mạch xác nhận 1 điểm rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 ở phía đông nam hòn đảo và một điểm rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 ở phía đông bắc Đan Mạch.
Khí đốt thoát ra từ những điểm rò rỉ này làm mặt biển sủi bọt trên diện rộng đến hàng trăm mét khiến giới chức các nước chưa thể đánh giá cụ thể tình hình 2 đường ống.
Cơ quan tình báo Thụy Điển cho hay đang mở cuộc điều tra xung quanh sự cố tại 2 đường ống Nord Stream, cho rằng đây là kết quả của hành vi phá hoại nghiêm trọng. Liên minh châu Âu cũng coi đây là hành vi phá hoại có chủ đích.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã mở cuộc điều tra về hành vi “khủng bố quốc tế” liên quan đến sự việc.
Theo yêu cầu từ phía Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông báo sẽ tổ chức phiên họp khẩn vào ngày 30/9 để thảo luận về sự cố rò rỉ tại 2 đường ống khí đốt Nord Stream.
Hãng AFP dẫn nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Anh cho biết 2 đường ống Nord Stream có khả năng bị cài thuốc nổ kích hoạt từ xa.
Trao đổi với hãng tin Sky News, nguồn tin giấu tên cho biết hư hại trên 2 đường ống khí đốt dường như là kết quả của hành vi tấn công có kế hoạch từ trước. Nguồn tin cho rằng thủ phạm có thể dùng thuyền hoặc máy bay không người lái để cài thủy lôi vào 2 đường ống dưới biển Baltic từ nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi thực hiện vụ tấn công.
Theo các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khí hậu, đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có thể chứa tới 350.000 tấn khí đốt. Tổ chức về môi trường Greenpeace ước tính lượng khí đốt rò rỉ từ 2 đường ống có thể dẫn tới thoát ra 30 triệu tấn CO2 và nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng sự cố có thể dẫn tới thảm họa khí hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận