Ghi nhận của phóng viên ngày 26/2, tại quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra rất phức tạp. Nhiều điểm nóng trước đó đã được lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, nhưng đến nay lại tái diễn.
Tại các quận trung tâm như quận 1, quận 3 tình trạng buôn bán, tụ tập đông người diễn ra sôi động. Các quán ăn, quán cà phê, quán nhậu tràn ra vỉa hè. Nhiều tuyến đường vỉa hè chỉ rộng khoảng hơn 1,5m nhưng lại bị chiếm dụng toàn phần làm bãi đậu xe cho khách.
Clip: Nhiều vỉa hè các tuyến đường TP.HCM ngang nhiên bị lấn chiếm kinh doanh
Tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), các gánh hàng rong phục vụ du khách nước ngoài nối tiếp nhau, chắn lối đi của người đi bộ. Nhiều du khách phải xuống lề đường luồn lách giữa những dòng xe để di chuyển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tương tự tại quận Bình Thạnh, những năm gần đây dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đường Trường Sa, Hoàng Sa), quán nhậu mọc lên nhan nhản. Nhiều quán nhậu ở dọc đường Trường Sa kê bàn ghế ra sát mép lề đường, một số đoạn ngang nhiên dùng hàng rào chắn làm bãi đậu xe. Ngoài ra, các điểm tập kết rác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lối đi bộ của người dân.
Hay tại, đại lộ Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức nơi được mệnh danh là "phố ăn nhậu" được xem là điểm nóng của tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Đi dọc tuyến đường này, 2 bên vỉa hè của người đi bộ, ngoài các quán nhậu còn vô số các hộ kinh doanh tự do, mở quán ăn, kê sào bán quần áo.
Một quán nhậu trên đường Trường Sa, Quận 1 kê bàn ghế tràn vỉa hè, người dân phải đi bộ dưới lòng đường.
Thường xuyên chạy bộ tập thể dục trên đường Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Văn Linh (52 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) chia sẻ: hồi xưa tôi chạy bộ trên đường này rất thoải mái, chỉ có một vài điểm bán nước nhỏ, không ảnh hưởng đến lối đi bộ nhưng thời gian gần đây hàng quán mọc lên như nấm.
Đáng nói, là nhiều quán ăn, quán nhậu kê bàn ghế ra sát mép đường khiến tôi phải đi xuống lòng đường. Vào giờ tan tầm, lượng xe đi lại đông nên rất nguy hiểm. Mong chính quyền sớm có biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, sớm trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng đã gửi các quận, huyện và Sở Tư pháp thẩm định dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố.
Theo dự thảo, 7 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí, gồm: nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; lắp đặt công trình, trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của hộ gia đình; điểm giữ xe có thu phí.
Ngoài ra, dự thảo còn nêu ba trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và đóng phí, gồm: tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ô tô phục vụ sự kiện có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
>>> Một số hình ảnh ghi nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh ở TP.HCM:
Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường dọc đường bờ kè Trường Sa (Q.1) đã diễn ra từ lâu. Thành phố đã nhiều lần ra quân xử lý, chấn chỉnh nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn khiến người dân bức xúc.
Xe rác lấn chiếm lòng đường gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe máy trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 hiện nay đang phổ biến.
Xe máy để tràn trên vỉa hè đường Nguyễn Thiệp, quận 1 "đẩy" khách du lịch xuống lòng đường. Một bạn đọc thắc mắc, chẳng lẽ không có cách nào để trị dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường?
Tại khu vực trước số nhà 280 đường Trường Sa Quận Bình Thạnh, vỉa hè, lòng đường trở thành mặt bằng cho hàng quán, mới nhìn tưởng khu ẩm thực.
Một quán hủ tiếu lấn chiếm vỉa hè trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1
Cứ tới 17h chiều, một số quán trên đường Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1 lại mang bàn ghế chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh ăn uống.
Tình trạng lấn chiếm lòng đường bán hàng rong sau thời gian tạm lắng, hiện nay lại tái phát trầm trọng hơn. Ghi nhận tại vòng xoay đường Tôn Đức Thắng quận 1.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận