Thị trường

Bát nháo hàng bán qua truyền hình: Giá đắt, chất lượng tồi

21/07/2015, 19:02

Nhiều người tiêu dùng mua hàng qua truyền hình bức xúc vì hàng hóa không đạt chất lượng như công bố, giá lại đắt.

41
Quảng cáo bán hàng trên kênh TV shopping

Kỳ 1: Giá đắt, chất lượng khó kiểm chứng

Nhiều người tiêu dùng mua hàng qua truyền hình bức xúc cho biết, hàng hóa không đạt chất lượng như công bố và giá cả đắt hơn so với sản phẩm cùng loại được bán qua kênh truyền thống.

Đắt hơn nhiều kênh bán hàng truyền thống

Chị Nguyễn Thị Dung (nhân viên văn phòng của một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cho biết, cách đây mấy tháng, nghe trên truyền hình quảng cáo và bán cây lau nhà thông minh Quý phu nhân với nhiều tính năng như: Đầu vải lau xoay hình tròn 360O linh hoạt, có thể làm sạch cả những khe nhỏ của đồ gia dụng; Sợi vải của bông lau đan chéo lập thể siêu nhỏ có tác dụng hút bụi bẩn nhỏ li ti; Thân gọn nhẹ được thiết kế cải tiến bền hơn, lau chùi được dễ dàng, nhẹ nhàng và ít tốn sức....

“Bùi tai” nên chị Dung đã đặt mua ngay một bộ. “Tôi đặt mua vào giờ vàng nên được giảm giá chỉ còn hơn 200 nghìn một bộ”, chị Dung kể. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ dùng được đúng một tuần thì bị gãy phần lẫy đạp chân để vắt. Bực mình hơn là khi chị Dung tra trên mạng thì thấy sản phẩm này bày bán tràn lan, giá rẻ hơn mấy chục nghìn.

Không chỉ chị Dung mà trên một số diễn đàn, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ bức xúc vì mua phải hàng qua truyền hình với giá đắt đỏ hơn so với các trung tâm thương mại, siêu thị hay chợ truyền thống. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hàng hóa bán qua các kênh TV shopping chủ yếu là hàng gia dụng, thực phẩm chức năng và giá cả khá đắt. Đơn cử như quạt phun sương Tiross phím cảm ứng giá bán trên TV shopping là 2.890.000 đồng và được giảm giá còn 2.690.000 đồng. Tuy nhiên, chiếc quạt này tại siêu thị điện máy chỉ có giá 2.350.000 đồng/chiếc. Bếp từ Goldsun bán tại TV shopping 3.490.000 đồng nhưng giá bán tại các siêu thị điện máy và trung tâm thương mại chỉ 2.990.000 đồng/chiếc. Nồi cơm điện mama Sunhouse chỉ 1.190.000 đồng/chiếc trong khi giá bán trên TV shopping là 1.390.000 đồng.

Không những thế, nhiều khách hàng bày tỏ rất bực mình vì thường xuyên bị quấy rầy sau khi mua hàng. Chị Ngọc Hà (trú tại Hà Đông, Hà Nội) kể, cách đây hơn một năm, chị mua máy mát-xa mặt trên SCJ SCTV với giá hơn 1 triệu đồng. Lúc nhận hàng chị thấy nhựa bọc ngoài máy không tốt, miếng bông tẩm thuốc để lau mặt sau khi mát-xa toàn chữ Trung Quốc, trong khi không có hướng dẫn đi kèm. Chị Hà lo ngại hàng kém chất lượng nên không dám sử dụng. Sau đó không lâu, nhân viên của nhà đài gọi điện lấy ý kiến của chị về chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ. “Mình đã dứt khoát từ chối không mua hàng và nói lần sau các chị đừng gọi điện tới làm phiền nữa, nhưng đều đặn từ đó tới nay cứ đôi tháng lại có nhân viên gọi điện”, chị Hà bức xúc khi thông tin cá nhân bị lộ ra ngoài và bị làm phiền quá mức.

Quảng cáo và thực tế: “Một trời một vực”

Mặc dù đắt đỏ, chất lượng nhiều sản phẩm qua kênh bán hàng này cũng bị “tố” không đảm bảo. Ông Hà Hữu Chân (trú tại tỉnh Bắc Cạn) kể, cách đây mấy tháng, thấy quảng cáo về chiếc điện thoại Hiphone 4 giá 2.899.000 đồng, có mẫu mã đẹp, nhiều tính năng như ghi âm, chụp ảnh, cài đặt được nhiều trò chơi, chất lượng giống với Iphone 4... nên ông đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng ông Chân té ngửa vì đó chỉ là một chiếc điện thoại nghe gọi thông thường. Không những thế, ông Chân còn thấy các dòng chữ trên điện thoại có ghi rõ “Made in China”. Trong kiện hàng cũng không có hóa đơn chứng từ, nhãn mác địa chỉ đơn vị bán hàng không rõ ràng.

Theo hướng dẫn của đại diện VINASTAS, khi nhận hàng mua qua truyền hình mà chất lượng không đúng như giao kết, trước tiên người mua hàng nên phản ánh với bên cung cấp sản phẩm để thỏa thuận đổi hàng hoặc người mua nhận lại tiền. Trong trường hợp bên cung cấp sản phẩm từ chối trách nhiệm, người tiêu dùng có thể khiếu nại lên VINASTAS để nhận được sự hỗ trợ. Quy trình như sau: Người tiêu dùng tải mẫu đơn trên trang web bvntd.vca.gov.vn và điền đầy đủ nội dung thông tin theo mẫu rồi gửi vào địa chỉ email: [email protected] hoặc gọi vào số tổng đài hỗ trợ, tư vấn miễn phí 1800 6838.

Nghi ngờ hình thức bán hàng có tính chất lừa đảo, ông Chân gọi điện thoại tới công ty phản ánh, nhưng nhân viên tiếp nhận điện thoại lại đùn đẩy hết người này tới người kia. Sau nhiều lần gọi điện, ông Chân đã bị công ty từ chối đổi hàng với lý do hàng đã giao không đổi lại. Cuối cùng, ông Chân đành phải cầu cứu tới Hội Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS).

Trao đổi với Báo Giao thông về vụ việc này, đại diện VINASTAS cho biết: “Hội có nhận được đơn khiếu nại của ông Chân. Hội đã liên hệ và làm việc với công ty. Ban đầu công ty này có thái độ từ chối và lẩn tránh trách nhiệm. Nhưng với sự vào cuộc của chúng tôi, doanh nghiệp này đã phải chấp nhận thu hồi lại sản phẩm và trả lại tiền cho ông Chân”.

Tìm hiểu tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), chúng tôi được biết, trong quý II năm nay, phòng đã tiếp nhận trường hợp người tiêu dùng đặt mua sản phẩm lược nhuộm tóc Hàn Quốc qua truyền hình giá 1.080.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, khách phát hiện trên bao bì sản phẩm không thể hiện xuất xứ Hàn Quốc như quảng cáo. Sản phẩm cũng không hề có mã vạch và khuyến cáo an toàn khi sử dụng nên đã liên hệ với doanh nghiệp để trả lại hàng nhưng bị từ chối.

Sau khi nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh đã gửi công văn tới doanh nghiệp yêu cầu giải trình về các vấn đề liên quan, thực hiện hợp đồng giao kết từ xa và giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng. Sau khi giải trình những nội dung đó, cuối cùng doanh nghiệp đã đồng ý nhận lại hàng hóa và hoàn lại tiền cho người tiêu dùng.  

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.