Cả trăm thương vụ gọi vốn thành công qua trái phiếu với số tiền huy động hàng chục nghìn tỷ đồng kể từ cuối năm 2018 tới nay đã đẩy các doanh nghiệp (DN) bất động sản trở thành con nợ “ôm” lãi suất cao.
Lãi suất gần gấp đôi lãi suất ngân hàng
Ngày 6/8, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ. Toàn bộ lượng trái phiếu phát hành đợt này trị giá 225 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Bến Thành “ôm” trọn. Trái phiếu kỳ hạn 1 năm có lãi suất 9,5%/năm. Đây là lần phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ 6 của PDR tính từ đầu năm tới nay.
Cùng ngày 6/8, công ty này đã công bố kết quả của hai đợt phát hành trước đó là đợt phát hành thứ 5 và đợt phát hành thứ 3. Ở đợt phát hành thứ 5 được HĐQT thông qua hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, PDR phát hành và thu về 70 tỷ đồng với lãi suất 13,5%/năm do Công ty CP Chứng khoán Hải Phòng và hai lãnh đạo của công ty này “ôm” trọn.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN (VBMA) cho biết, các đợt phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm nay có khối lượng khá lớn, tập trung vào các đợt phát hành riêng lẻ (chiếm khoảng 95% giá trị phát hành). Bên cạnh khối ngân hàng đang cần vốn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, khối DN bất động sản đứng thứ hai về phát hành trái phiếu. Trừ PDR có lãi suất ở mức đỉnh như trên thì các DN khác chỉ dám đẩy lên tới 12%/năm, như Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI, phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu); Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH, huy động được 900 tỷ đồng)...
Theo số liệu từ VBMA, tháng 5 năm nay có 12 thương vụ phát hành trái phiếu DN với giá trị huy động 6.349 tỷ đồng. Đến tháng 6, số vụ huy động tăng lên gần gấp 3 (31 vụ), huy động 12.822 tỷ đồng. Số liệu từ Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai cung cấp trong cuộc họp báo Chính phủ cuối tuần trước cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu DN phát hành tới 90.000 tỷ đồng, tăng 34% so với nửa đầu 2018. Số lượng huy động tăng vọt đã đẩy dư nợ trên kênh trái phiếu DN chiếm 10,22% GDP (tính theo GDP 2018) và tăng gần 20% so với cuối năm 2018.
Ngậm “thuốc độc” kéo dài sự sống?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, các DN bất động sản đua phát hành trái phiếu với lãi suất cao do chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản. Dù đã rà soát, đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa biến động đáng ngại, song bà Mai khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính sẽ có giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM lại đưa ra bức tranh hoàn toàn khác. Ông Đực cho biết, việc phát hành trái phiếu lãi suất cao chẳng qua do các DN bất động sản “túng quá làm liều” và sẽ dẫn tới hệ quá rất lớn sau này.
Ông Đực phân tích: Từ giữa năm 2018 đến nay, có rất ít sản phẩm bất động sản được tung ra thị trường khiến DN không thu được tiền để quay vòng. Điều này bắt nguồn từ hàng loạt dự án đất tại các trung tâm lớn, nhất là TP HCM bị đình lại, không được xét duyệt thủ tục do “dính” vào đất công. Có dự án chỉ dính vài mét vuông đất công, hay có dự án chỉ dính bờ mương, ao rạch (cũng là đất công) khiến cả dự án không được xét duyệt và đình lại hết. Có dự án kéo dài tới vài năm. Trong khi đó, DN vẫn phải trả lãi, trả chi phí quản lý… dẫn tới cạn kiệt tài chính.
“Chính vì thiếu vốn trầm trọng buộc DN phải gõ cửa các nguồn mà ngân hàng thì đóng cả rồi nên chỉ còn cách huy động qua cổ phiếu, trái phiếu với lãi suất cao, nhưng điều này cũng là làm liều. Doanh nghiệp có thể “sống - chết” 50-50 nhưng còn hơn là không làm gì, vì không làm gì thì sẽ “ chết” hết”, ông Đực nhận định và cho rằng, khi hàng loạt DN bất động sản cùng “chết”, các ngân hàng cũng “dính đòn” do nợ xấu, ảnh hưởng tới nền kinh tế mà bài học nhãn tiền nợ xấu từ bong bóng bất động sản cách đây 10 năm tới nay còn chưa giải quyết dứt điểm.
Cũng lấy bài học năm 2008-2009 trên thị trường bất động sản, ông Đực kiến nghị: Với các dự án “sạch” chính quyền địa phương, nhất là TP HCM nên giải phóng cho DN để triển khai dự án. Nếu không chỉ 2-3 năm nữa DN sẽ “chết”, bởi việc DN ngậm “thuốc độc” (lãi suất cao) để kéo dài sự sống như hiện nay không kéo dài được lâu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận