Ồ ạt khai thác đất tầng phủ
Những ngày qua, Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân khu phố Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) về việc hàng loạt phương tiện vận tải ồ ạt chở đất đá san lấp dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng giao thông. Liên tục tục nhiều ngày, PV đã có mặt tại đây để ghi nhận phản ánh.
Sáng ngày 9/3, theo chiếc xe ben chở đất mang logo Phương Nam BKS 77C-149.50 chở đất vào san lấp dự án khu vực này, PV nhận thấy hoạt động san lấp tại đây diễn ra rầm rộ.
Bám theo chiếc xe trên theo hành trình ngược lại, ghi nhận phương tiện chạy vào khu vực mỏ của Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Mỹ Thịnh (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) để lấy đất.
Hàng loạt phương tiện logo Phương Nam chở đất tầng phủ từ mỏ đá của Công ty Mỹ Thịnh về san lấp Dự án Khu dân cư vị trí số 7 tại khu phố Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước
Tại đây, PV ghi nhận hàng loạt xe ben mang logo Phương Nam đang chực chờ để lấy đất. Một chiếc xe múc liên tục vục đất đổ đầy thùng xe. Sau khi nhận đầy hàng, phương tiện BKS 77C-149.50 di chuyển ra đường Long Vân.
Qua trao đổi với đại diện Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Mỹ Thịnh, người này cho biết, mỏ đá của công ty đang thực hiện bốc đất tầng phủ trước khi tiến hành khai thác đá, công ty được UBND tỉnh Bình Định cho phép bốc đất tầng phủ và khi bán đất được xuất hóa đơn.
Ông Bùi Quang Thủy, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân cho hay, mỏ đá của Công ty Mỹ Thịnh được UBND tỉnh Bình Định cho phép nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản từ Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh, có diện tích 3,6ha.
Khối lượng đá tiếp tục khai thác là 271.787 m3 và đất bốc là 44.836 m3 ở thể địa chất, công suất khai thác 66.667 m3/năm, thời hạn khai thác đến 30/11/2023.
Công ty được UBND tỉnh cho phép khai thác bốc đất tầng phủ, còn việc các xe đến mua và chở đi đâu thì chính quyền cũng không thể can thiệp.
Các phương tiện logo Phương Nam vào mua đất tại mỏ Công ty Mỹ Thịnh
Tiếp tục theo chân phương tiện BKS 77C-149.50, PV nhận thấy sau khi lấy đất tầng phủ từ mỏ đá Công ty Mỹ Thịnh, phương tiện này trở ra đường Long Vân hướng về QL1. Sau đó đánh lái chạy về trung tâm thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Tại huyện Tuy Phước, chiếc xe này rẽ vào khu phố Công Chánh, thị trấn Tuy Phước.
Điểm đổ của phương tiện này là mặt bằng của dự án Khu dân cư vị trí số 7. Hàng loạt phương tiện khác mang logo Phương Nam, Kỳ... cũng theo hành trình tương tự chở đất từ mỏ đá của Công ty Mỹ Thịnh về san lấp dự án trên.
Tại đây, rất nhiều phương tiện mang logo Phương Nam, Kỳ, Bảo Linh… đã chở khối lượng lớn đất về đây thi công san lấp nền. Tuy nhiên, qua quan sát có rất nhiều loại đất khác nhau trộn lẫn cây cối và các tảng đá lớn được đổ xuống để san lấp.
Có thể nhận thấy nhiều loại đất khác nhau được sử dụng để san lấp dự án trên
Cả đơn vị thi công và chủ đầu tư đều không rõ
Theo tìm hiểu của PV, Khu dân cư vị trí số 7 tại khu phố Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước do UBND thị trấn Tuy Phước làm chủ đầu tư, đại diện liên danh nhà thầu thi công Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoài Thương và Công ty TNHH xây dựng Hoàng Gia.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 14 tỷ đồng, trong đó gói thầu toàn bộ khối lượng xây lắp có giá trị hơn 12,6 tỷ đồng. Dự án Khu dân cư vị trí số 7 có diện tích san nền toàn bộ hơn 11.000 m2.
Theo hồ sơ báo cáo kinh tế, kỹ thuật xây dựng thì đất san lấp dự án được lấy tại mỏ đất của Công ty TC, khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn với cự ly vận chuyển là 14 km.
Nhiều xe logo Phương Nam, Kỳ còn gắn bảng "Xe phục vụ dự án Diêm Vân Cát Tiến" - một công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định, nhưng thực tế là chở đất cho dự án Khu dân cư vị trí số 7
Tuy nhiên, theo lý giải của đơn vị trúng thầu thi công, đến nay dự án này đang gặp nhiều khó khăn, tìm kiếm nguồn đất san lấp. Vì vậy, đơn vị trúng thầu đã thuê nhiều phương tiện, từ các đơn vị khác tìm kiếm nguồn gốc đất khác nhau để thi công dự án.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoài Thương cho biết, theo hồ sơ thiết kế dự án là lấy đất từ mỏ đất Công ty TC, khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân.
Tuy nhiên vì cự ly vận chuyển thực tế xa so với thiết kế ban đầu nên nhà thầu đã báo cho chủ đầu tư. Từ đó, nhà thầu tìm đất chỗ khác để san lấp cho kịp tiến độ công trình, vì dự án chậm 2 tháng do mưa nhiều.
"Nguồn vật liệu san lấp khó khăn, lại bị ép tiến độ nên chúng tôi thuê các đơn vị khác cung cấp chở đất, họ phải đảm bảo nguồn gốc đất, hoá đơn, chứng từ. Tại dự án, nguồn đất có lẫn lộn vì xe chở đất chạy lung tung không quản lý được, nếu đất không đạt phải loại", ông Trung nói.
Nguồn đất trộn lẫn đá, cây cối được đổ xuống san lấp dự án
Ông Nguyễn Viết Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Tuy Phước cũng thừa nhận, không biết đơn vị thi công lấy ở mỏ đất nào để thi công san lấp nền dự án Khu dân cư vị trí số 7. Tuy nhiên, qua báo cáo của đơn vị thi công thì đất được lấy từ nhiều vị trí khác nhau để chạy tiến độ dự án.
Đơn vị chủ đầu tư lý giải, do ảnh hưởng thời tiết trời mưa nhiều nên đến nay mới bắt đầu thi công san lấp nền dự án Khu dân cư vị trí số 7. Mặt khác, do trên địa bàn huyện Tuy Phước không có mỏ đất được cấp phép nên rất khó khăn tìm nguồn đất hợp pháp phục vụ công trình, bởi vậy nhiều khi nhà thầu linh động tìm đất đổ cho kịp tiến độ thi công.
"Chủ đầu tư cho dừng thi công dự án để kiểm tra nguồn gốc mỏ đất và chất lượng đất san lấp, nếu phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật", ông Thảo khẳng định.
Theo quyết định số 26/2019/QĐ-UBND, ngày 5/7/2019 của UBND tỉnh Bình Định, tất cả các công trình hạ tầng, giao thông được sử dụng nguồn vốn từ nhà nước phải có mỏ đất được cấp phép để sử dụng cho việc san lấp hạ tầng của công trình đó.
Từ tháng 3/2021 đến nay, Sở TN&MT tỉnh Bình Định cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó nêu rõ về việc các công trình sẽ không được thanh quyết toán nếu sử dụng nguồn đất san lấp trái phép, chưa được cấp phép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận