Hồ sơ tài liệu

Bất thường Tổng thống Philippines Duterte không được mời dự G20

12/07/2017, 08:19

Là Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á nhưng Tổng thống Philippines không được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Duterte

Tổng thống Philippines ông Duterte

Hãng tin Rappler dẫn nguồn tin từ một quan chức Điện Malacanang (nơi ở và làm việc của Tổng thống Philippines) cho biết, ông Duterte không nhận được lời mời chính thức từ Chính phủ Đức, nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 (đã diễn ra trong hai ngày 7-8/7 vừa qua). 

Động thái bất thường

Người phát ngôn Chính phủ Đức hôm 10/7 cũng đã xác nhận thông tin trên với Rappler. Văn phòng thông tin, báo chí của Chính phủ Liên bang Đức cho biết: “Nguyên thủ Philippines không nằm trong danh sách khách mời các nước tới Hội nghị G20”. 

Động thái này được coi là bất thường vì hiện nay, ông Duterte đang là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay. Theo truyền thống, Chủ tịch ASEAN bao giờ cũng được mời tới Hội nghị Thượng đỉnh G20. Năm 2016, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith là Chủ tịch luân phiên ASEAN và được mời tham dự Hội nghị G20. Năm 2015, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng được mời dự G20 vì cùng lý do trên. 

Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một trong những diễn đàn quốc tế lớn nhất tập trung vào các vấn đề kinh tế, tài chính. Diễn đàn có sự tham gia của các cường quốc, tổ chức lớn trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản…

Trang web G20 Đức 2017 mô tả: “Các nước G20 chiếm hơn 4/5 trong tổng sản phẩm thế giới, 3/4 thương mại toàn cầu và có dân số chiếm gần 2/3 toàn thế giới”. Ngoài bàn bạc về vấn đề kinh tế, hội nghị thượng đỉnh này còn là nơi tìm cách giải quyết vấn đề khủng bố, Chương trình Phát triển bền vững năm 2030, chống tham nhũng cùng nhiều vấn đề quan trọng khác. Đây cũng là những vấn đề mà chính quyền Tổng thống Philippines cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á đang phải đối phó. 

Chủ tịch ASEAN thường được mời tới hội nghị vì vai trò và tầm quan trọng ngày càng tích cực của khu vực này trên trường quốc tế. Khu vực này có tổng số khoảng 700 triệu dân, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ. Tổng GDP của 10 nước ASEAN trong năm 2013 đưa khu vực này trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới nếu tính gộp. Tính đến năm 2050, khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới. 

Phương Tây không thiện cảm với ông Duterte?

Hiện các nguồn tin từ Đức và Philippines đều chưa rõ vì sao Tổng thống Duterte không được mời tới tham dự G20. Kể từ khi nhậm chức tới nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã liên tục có các chuyến thăm nước ngoài dù bị dư luận trong nước chỉ trích là xa hoa đắt đỏ. Chính quyền ông Duterte đảm bảo, những chuyến thăm này giúp tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa Philippines với cộng đồng thế giới.

Ông Duterte đã cải thiện quan hệ với Trung Quốc, với nhiều nước ASEAN và Nga. Nhưng ông không quan tâm tới cải thiện quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, ông từng có nhiều cử chỉ khiến các giới chức Mỹ và EU phật lòng. Có lần, ông giơ ngón tay thể hiện sự tức giận với các nghị sĩ EU vì phản đối đề xuất khôi phục án tử hình và bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Senator Leila de Lima.

Với Mỹ, dù mới đây, ông Duterte gửi lời cảm ơn Chính phủ Mỹ vì sự hỗ trợ của Washington trong cuộc khủng hoảng tại Marawi. Nhưng trước đây, hồi tháng 10/2016, Manila từng chỉ trích Washington can thiệp vào vấn đề nội bộ Philippines. “Đi đi, mang tiền của các ông đi nơi khác đi. Chúng tôi sẽ tồn tại như một quốc gia đích thực”, ông Duterte chỉ trích Mỹ. Ông cũng không ít lần chỉ trích và nhạo báng cựu Tổng thống  Mỹ Barack Obama. 

Nhận định về chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines, cựu Hiệu trưởng trường Ateneo School of Government, ông Antonio La Vina cho rằng: “Việc thực thi chính sách ngoại giao độc lập của Tổng thống Duterte gây mơ hồ, mâu thuẫn, thậm chí là bị phương Tây phản đối”. Còn theo nhà xã hội học Randy David, cách xử lý chính sách ngoại giao của ông Duterte có thể mang hơi hướng cảm tính cá nhân, hình thành sau một thời gian dài làm thị trưởng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.