Chuyện dọc đường

Bất thường trúng đấu giá gấp trăm lần khởi điểm

Mỏ cát tại Quảng Nam có giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ, nhưng qua 200 vòng đấu lên 370 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao.

Với kết quả đấu giá hơn 370 tỷ đồng cho 159.000m3 cát tại điểm mỏ ĐB2B (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), nếu doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp quyền khai thác thì mỗi m3 cát sẽ có giá hơn 2,3 triệu đồng, chưa kể chi phí khai thác, vận chuyển…

Bất thường trúng đấu giá gấp trăm lần khởi điểm- Ảnh 1.

Mỏ cát ĐB2B, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam có trữ lượng khiêm tốn, song là Công ty CP thương mại Quảng Đà đã bỏ giá đấu với mức giá không tưởng.

Một con số thực sự điên rồ gấp nhiều lần giá cát hiện tại trong bối cảnh thị trường cát xây dựng khắp cả nước đang nóng ran.

Đại diện một đơn vị khai thác cát tại Quảng Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát ĐB2B không bỏ cọc, đưa mỏ vào khai thác đúng kế hoạch thì gần như không thể tìm được thị trường tiêu thụ với mức giá trên trời như thế.

Được biết, doanh nghiệp trúng đấu giá điểm mỏ ĐB2B là Công ty CP TM Quảng Đà, có trụ sở tại TP Đà Nẵng, vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Một cán bộ Sở TN&MT Quảng Nam cho biết, theo quy định, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Như vậy, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng thì doanh nghiệp này chưa đáp ứng được quy định trên của Luật Khoáng sản Việt Nam 2010.

Cũng trong phiên đấu giá này, có thêm điều kỳ lạ là sự xuất hiện của Công ty cổ phần Nông sơn Farm (đăng ký trụ sở tại thôn Phước Hội, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), thành lập vào tháng 8/2022, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là "chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn", vốn điều lệ khi thành lập chưa tới 1 tỷ đồng.

Song, suốt trong phiên đấu doanh nghiệp nuôi heo vẫn "đấu chết bỏ".

Càng bất ngờ hơn, cơ cấu cổ đông của Công ty Nông Sơn FARM xuất hiện những cái tên gồm: Võ Thị Hồng Nhung, Nguyễn Sỹ Minh Tiến, Lê Nguyễn Đồng Quân. Cả 3 người này đều là cổ đông của Công ty CP thương mại Quảng Đà, trong đó ông Tiến giữ vai trò giám đốc.

Không chỉ phiên đấu giá trên mà thời gian qua tại nhiều địa phương trong cả nước cũng xuất hiện những tình huống bất thường.

Mới nhất, tại Nghệ An, một doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 1 tháng, vốn điều lệ 5 tỷ đồng nhưng trúng đấu giá 3 mỏ vật liệu với tổng số tiền 200 tỷ đồng!

Tại Quảng Ngãi, cuối năm 2023, tỉnh này đấu giá 5 mỏ cát để sớm đưa cát vào thị trường nhằm bình ổn giá cát. Song, sau phiên đấu giá có đến 4/5 mỏ bị người đấu trúng "trả mỏ".

Việc các mỏ cát này bị đóng băng khiến cho giá cát xây dựng tại Quảng Ngãi tăng mạnh, đẩy thị trường cát xây dựng rơi vào trạng thái tăng giá, khan hàng.

Một số chủ doanh nghiệp xây dựng cho rằng, việc đấu giá kiểu "sống chết" như vậy là một hình thức nhằm thổi giá cát. Trong đó, phần lớn các chủ mỏ trúng đấu giá sẽ bỏ mỏ, chấp nhận mất cọc, song lại hưởng lợi lớn vì gần đó họ đang sở hữu một mỏ cát khác đang khai thác.

Mỏ cát vừa đấu giá xong không đưa ra thị trường được cũng đồng nghĩa mỏ cát đang khai thác sẽ độc quyền. Từ đó, giá cát xây dựng sẽ "nhảy múa". "Hành vi này có thể nói là phá hoại vì đã ngăn chặn việc đưa cát ra thị trường để trục lợi", một chủ doanh nghiệp nhận định.

Bất thường trúng đấu giá gấp trăm lần khởi điểm- Ảnh 2.

Mỏ cát trên Sông Vệ (Quảng Ngãi), một trong 4 mỏ bị người trúng đấu giá trả mỏ.

Luật sư Nguyễn Thanh Tân, Đoàn Luật sư Quảng Nam cho rằng, với mức đấu giá cao bất thường, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán mới có lợi nhuận. Còn nếu đấu giá xong bỏ cọc thì trữ lượng cát không được đưa vào thị trường khiến nguồn cung bị đứt gãy, dẫn đến tình trạng khan hiếm, giá cát tăng cao.

Trao đổi với Báo Giao thông, quyền giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung khẳng định: Vụ "đấu giá không tưởng" mỏ cát tại Quảng Nam cho thấy những quy định của luật hiện hành không thể xử lý được, bởi chế tài duy nhất hiện nay là doanh nghiệp chỉ mất tiền cọc.

"Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp tại các địa phương đua nhau đẩy giá đấu thầu rồi bỏ cọc", ông Trung nhận định và cho rằng: muốn chấn chỉnh hoạt động đấu giá cát, trước hết phải sửa luật hiện hành hoặc bổ sung phù hợp với thực tế hơn. Chẳng hạn nâng mức tiền đặt cọc lên cao.

Ngoài ra phải có chế tài, doanh nghiệp nào đấu trúng mà trả mỏ nhưng không có lý do chính đáng thì cấm, không cho tham gia đấu giá khoáng sản nữa.

Bất thường trúng đấu giá gấp trăm lần khởi điểm- Ảnh 3.

LS Phạm Thảo, Công ty Luật FDVN, đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

Theo luật sư Phạm Thảo, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức bán quyền khai thác khoáng sản công khai quy định tại Nghị định 22/2012.

Thời gian qua, nguồn vật liệu xây dựng khá khan hiếm, trong đó có cát. Do đó, nhiều tỉnh, thành đưa các mỏ cát ra đấu giá nhằm đảm bảo nguồn cung là yêu cầu tất yếu.

Nhưng tại nhiều phiên đấu giá, một số đơn vị tham gia bỏ giá trên trời, sau khi trúng thầu đã chọn một lý do không thuyết phục rồi bỏ cọc, đó là điều không bình thường.

Hệ lụy của tình trạng này có thể khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể cạnh tranh sòng phẳng, mất đi cơ hội đầu tư kinh doanh, có thể gây thiệt hại cho Nhà nước, làm rối loạn thị trường, ngăn chặn mục tiêu, định hướng của chính quyền.

Theo luật sư, việc nâng khống giá có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Hiện nay, quy định pháp luật về đấu giá còn một số lỗ hổng khiến tình trạng "quân xanh, quân đỏ" luồn lách gây nhiễu loạn phiên đấu giá. Trong khi chế tài đang áp dụng quá nhẹ nên các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng để gây nhiễu loạn.

Để ngăn chặn, cần có quy định chặt chẽ điều kiện tham gia phiên đấu giá như năng lực tài chính, lịch sử kinh doanh… Đồng thời, cần bổ sung thêm chế tài mạnh hơn, thậm chí là hình sự hóa vụ việc dân sự nếu có dấu hiệu bất thường để tạo sự răn đe.

Cơ quan chức năng cần trao quyền cho đấu giá viên hoặc cơ quan liên quan nhiều hơn, trong đó có quyền kiến nghị ngừng đấu giá, mời cơ quan điều tra vào cuộc nếu có dấu hiệu bất thường. Từ đó, giúp cơ quan thực thi chủ động phát hiện vi phạm, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước cũng như các cá nhân, tổ chức khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.