Người dân Mỹ phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn cao do ô nhiễm không khí
Ngày 8/6, hãng tin Guardian dẫn kết quả phân tích nhanh mức độ ô nhiễm không khí tại Mỹ trong những ngày vừa qua do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Stanford thực hiện cho thấy, khói mù do cháy rừng tại Canada đã khiến nước Mỹ trải qua ngày 7/6 có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất kể từ khi nhóm nghiên cứu bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 2006.
Theo nhóm nghiên cứu, vào ngày 7/6, trung bình mỗi người dân Mỹ phơi nhiễm với 27.5 microgram bụi mịn PM2.5/m3 không khí.
Mức độ ô nhiễm trung bình này vượt xa sự kiện gây ô nhiễm lớn thứ 2, xảy ra vào tháng 9/2020 khi các bang ở miền Tây nước Mỹ xảy ra số vụ cháy rừng kỷ lục. Bụi mịn PM2.5 có khả năng lọt vào phổi trong quá trình hô hấp và có thể dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí tử vong.
Riêng tại New York, khói mù do cháy rừng tại Canada đã khiến bầu trời thành phố chuyển sang màu cam và nồng độ bụi mịn trong không khí tăng cao tới 195 microgram/m3, cao gấp 5 lần so với tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia Mỹ.
TP New York bao trùm trong khói mù vào ngày 7/6 (Ảnh: Reuters)
Ông Marshall Burke, nhà khoa học về môi trường thuộc Đại học Stanford đồng thời là người dẫn đầu nghiên cứu, cho rằng mức độ ô nhiễm không khí tại Mỹ ngày 7/6 đã lên tới mức nguy hiểm, đặc biệt với những đối tượng dễ bị ảnh hưởng như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người có vấn đề về sức khỏe.
Nhà khoa học cảnh báo số ca nhập viện do hô hấp, sinh non và thậm chí tử vong sẽ tăng cao.
Ô nhiễm không khí đã khiến nhiều trường học tại New York phải tạm dừng hoạt động ngoài trời, người dân đeo khẩu trang khi ra đường hoặc hạn chế ra ngoài.
Nhưng theo ông Burke, chất lượng không khí trong nhà cũng không khá hơn. Thiết bị đo chất lượng không khí trong nhà cho thấy trung bình mỗi người dân tại quận Manhattan, TP New York phơi nhiễm với hơn 100 microgram bụi mịn/m3 không khí trong ngày 7/6.
Giới chức y tế TP New York đã khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp an toàn trong bối cảnh tình trạng khói mù có thể tiếp diễn thêm vài ngày nữa khi tình trạng cháy rừng đang lan rộng tại Canada. Một số biện pháp được khuyến cáo bao gồm đeo khẩu trang N95, KN95, đóng kín cửa, sử dụng máy lọc không khí…
Lái xe Tesla sử dụng chế độ “phòng thủ vũ khí sinh học”
Trong bối cảnh đó, ngày 8/6, theo hãng tin RT, nhiều lái xe Tesla đã kích hoạt tính năng “phòng thủ vũ khí sinh học” để đối phó với chất lượng không khí xuống thấp tới mức “cảnh báo đỏ” ở nhiều khu vực thuộc miền Đông nước Mỹ vào một ngày trước đó.
Chế độ “phòng thủ vũ khí sinh học” trên xe Tesla sẽ kích hoạt hệ thống lọc khí HEPA có khả năng loại bỏ các hóa chất độc hại, vi khuẩn hay phấn hoa gây dị ứng trong không khí trên xe.
Trên mạng xã hội Twitter, một số lái xe Tesla đã ca ngợi khả năng lọc, làm sạch không khí của chế độ này, giúp họ tránh khỏi nguy cơ hít phải khói bụi khi không khí đang ô nhiễm nghiêm trọng.
Dòng xe cộ lưu thông trên đường phố tại Mỹ trong làn khói mù dày đặc (Ảnh: Getty)
Về phần mình, ông Musk cho biết, các mẫu xe Model S và Model X được trang bị hệ thống lọc khí HEPA tương đương tiêu chuẩn tại bệnh viện, có khả năng bảo vệ hành khách trên xe khỏi bụi, vi khuẩn, phấn hoa gây dị ứng, bào tử gây bệnh và nhiều loại khí độc.
Trên trang web của hãng, Tesla cũng ca ngợi tính năng độc nhất được lắp đặt trên một số dòng xe của hãng, khẳng định chế độ “phòng thủ vũ khí sinh học” có thể giúp người dùng sống sót kể cả trong một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học cấp độ quân sự nếu trú ẩn trong xe.
Tuy nhiên, theo hãng tin RT, phiên bản xe có tính năng này giá thành không hề thấp. Chi phí nâng cấp thêm hệ thống lọc khí HEPA và tính năng “phòng thủ vũ khí sinh học” đối với xe Tesla Model S sản xuất trong giai đoạn 2012-2020 lên tới 500 USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận