Bay quốc tế phục hồi ấn tượng
3 tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải hàng không quốc tế của Vietnam Airlines đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt hơn 22.000 tỷ đồng và lãi ròng gần 1.500 tỷ đồng, đều cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 65%, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy vào năm 2021. Tỷ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế cũng tiệm cận mức trước đại dịch, gần với mức của Quý 1/2019.
Các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh chung của Tổng công ty. Trong đó, việc Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp Tổng công ty ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất trong Quý.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ.
Một yếu tố quan trọng khác giúp tăng doanh thu của Vietnam Airlines là việc hãng đã thúc đẩy nâng cấp chất lượng dịch vụ và chuyển đổi số. Qua đó, tăng thu hút phân khúc khách doanh thu cao.
Cụ thể, hãng tiếp tục chiến lược nâng tầm dịch vụ với các cải tiến từ mặt đất đến trên không, như nâng cấp chất lượng dịch vụ phòng chờ Thương gia, triển khai phương thức đưa khách ra cửa tàu bay mới, đổi mới thực đơn trên không, áp dụng hệ thống giải trí không dây Airfi trên toàn bộ đội tàu thân hẹp Airbus A321, đa dạng hóa các chương trình giải trí…
Tổng số khách của Vietnam Airlines trong Quý I/2024 đạt hơn 5,74 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lấp đầy chuyến bay là 86% với thị trường nội địa, 80% với thị trường quốc tế, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài cải thiện kết quả kinh doanh, Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện các cam kết vì cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội như tổ chức chuyến bay đoàn viên đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê dịp Tết Giáp Thìn và trở lại nơi làm việc; đồng hành cùng Công an TP. Hà Nội thực hiện chuỗi hoạt động "Hành trình Tây Bắc - Tiếp bước cha anh" hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; trao tặng công trình Thư viện xanh cho các học sinh vùng cao tại tỉnh Điện Biên; hỗ trợ các tổ chức thiện nguyện uy tín trong nước và quốc tế thực hiện dự án Chung tay vì nụ cười trẻ em Việt Nam…
Hãng cũng tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, tài trợ xúc tiến du lịch, thương mại như đồng hành cùng Năm du lịch quốc gia Điện Biên, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng; tái ký kết hợp tác phát triển kinh tế -xã hội với các tỉnh, thành trên cả nước; Tham gia quảng bá du lịch Việt Nam tại các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước; phục vụ trái cây đặc sản vùng miền trên chuyến bay; ra mắt "nhật ký số" One S - Một Việt Nam thật khác thúc đẩy du lịch nội địa…
Sớm phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN thời gian qua biến động tích cực tương ứng với hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng.
Tính đến cuối tháng 4, HVN đang có mức giá 17.250 đồng/cp, thuộc vùng cao nhất kể từ tháng 8/2022 và tăng 41% so với đầu năm nay. Vốn hóa của Vietnam Airlines hiện đạt 38.200 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường vận tải khách quốc tế năm 2023, chiếm 60,1% tổng lượng khách luân chuyển toàn cầu, cao hơn đáng kể so với mức đáy 37,6% của năm 2021 và gần con số 63,8% của năm 2019.
IATA dự báo, doanh thu của các hãng bay toàn cầu có thể tăng trưởng 7,6% lên mức kỷ lục 964 tỷ USD trong năm 2024. Lợi nhuận hoạt động năm nay được kỳ vọng đạt 49,3 tỷ USD. Lợi nhuận ròng được dự báo tăng 10% lên 25,7 tỷ USD.
Cũng theo IATA, dự báo sẽ có khoảng 4,7 tỷ người đi máy bay trong năm 2024, vượt mức đỉnh cũ là 4,5 tỷ người vào năm 2019. Sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không năm nay có thể đạt 61 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với 2023.
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng không quốc tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 49,4% về lượng khách luân chuyển và 50,2% về lượng ghế luân chuyển. Hệ số tải hành khách đạt 83,8%, đứng thứ 2 toàn cầu.
Cùng với xu thế phát triển của ngành hàng không, sự nỗ lực nội tại của Vietnam Airlines là yếu tố quan trọng đóng góp vào kết quả kinh doanh khởi sắc trong 3 tháng đầu năm 2024. Doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay và nguồn nhân lực, tăng tải cung ứng, thuê ướt tàu bay đáp ứng nhu cầu hành khách, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giá dịch vụ và lãi suất…
Theo Cục Hàng không VN, các hãng bay trong nước đã thực hiện 66.605 chuyến bay trong Quý I/2024. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 28.287 chuyến, tăng 10% so với cùng kỳ 2023 và dẫn đầu toàn ngành với 42,5% thị phần số chuyến bay. Tính thêm các hãng thành viên gồm Pacific Airlines và VASCO, thị phần này của Vietnam Airlines Group đạt 48,5%.
Hiện Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025 và báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Theo đề án, năm 2024-2025, hãng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hãng ghi nhận các chuyến bay trong dịp nghỉ lễ vừa qua đông khách với tỷ lệ lấp đầy chỗ trên toàn mạng bay đạt gần 80%. Trong đó, ở thị trường nội địa, tỷ lệ lấp đầy chỗ trong ngày cao điểm nhất đạt gần 90%.
Đại diện Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận