Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp |
Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc vào chiều nay (27/11). Theo đánh giá, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với việc xem xét và quyết định nhiều nội dung lập pháp, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Thông qua 16 luật và 15 nghị quyết
Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10 đã hoàn thành tốt đẹp. Năm 2015 kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. An sinh xã hội bảo đảm, đời sống cải thiện, hệ thống pháp luật hoàn thiện theo Hiến pháp mới, an ninh chính trị an toàn xã hội bảo đảm, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, độc lập chủ quyền giữ vững, hoạt động đối ngoại nổi bật...
Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, đó là chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của nền kinh tế còn thấp, sản xuất còn khó khăn, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn, tái cơ cấu một số ngành lĩnh vực còn chậm, kỷ luật kỷ cương công vụ chưa nghiêm, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đứng trước thách thức mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng trân trọng ghi nhận sự tham gia tích cực của các đại biểu quốc hội, sự chuẩn bị nghiêm túc và công phu của Chính phủ trong suốt kỳ họp.
Để góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, cấp có kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, bộ luật, nghị quyết vừa được thông qua; sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật, trong đó có Luật báo chí (sửa đổi).
Các luật thông qua gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn thông tin mạng; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Khí tượng thủy văn; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Các nghị quyết thông qua như Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)...
Ngoài ra tại kỳ họp này, các luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, các luật, bộ luật được thông qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ chế độ, trật tự an toàn xã hội.
Cuộc họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII |
Nhiều điểm mới trong chất vấn
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả kỷ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là kỳ hợp có khối lượng công việc hoàn thành rất đồ sộ; trong đó thông qua nhiều luật và nghị quyết và những vấn đề quan trọng, như bầu chức danh Tổng thư ký quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Nghị quyết quản lý đất nông lâm trường... Hoạt động giám sát và chất vấn là một trong những điểm mới của Kỳ hợp, chất vấn toàn bộ cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ, tổng số có 140 câu hỏi chất vấn; trong đó có 27 câu hỏi cho Thủ tướng, có đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Chủ tịch Quốc hội.
Cũng tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên về thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng, đánh giá hoạt động kỳ họp, tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIV cũng như phương pháp chất vấn mới...
Chủ nhiệm Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức chất vấn theo hình thức mới. Các thành viên Chính phủ đã trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp, không né tránh những vấn đề phức tạp, nhận trách nhiệm cá nhân, đề xuất các giải pháp mới. Tuy nhiên vẫn còn có Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chưa đi vào trọng tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử chi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận