Bến đò Lời trên sông Hồng, địa bàn Phú Thọ - Ảnh: Hồng Xiêm |
Trong dịp tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy mới đây do Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc tổ chức, tôi tình cờ gặp lại ông chủ bến đò Lời, bến đò trên sông Hồng nối huyện Lâm Thao và Tam Nông của tỉnh Phú Thọ.
Bến đò khá đông khách, nhưng điều khiến tôi quan tâm vì chủ đò là người trách nhiệm với công việc, có những suy nghĩ, kiến nghị và hành động vì sự ATGT đường thủy. Ví như ngay tại hội nghị, trong phần phát biểu của mình ông tranh thủ nói việc “ngoài lề” vớt được quả phao đường thủy và thông báo để đơn vị bị mất nhận lại. Lý do khác là bến đò Lời đã vài lần bị đưa lên báo chí vì chuyện hành khách qua đò không mặc áo phao, không đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Gần nhất là tháng 7 vừa qua, khi nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường thủy có hiệu lực, bến đò Lời cũng bị bêu tên vì hành khách không sử dụng phao.
Lần này gặp lại, tôi hỏi chủ bến đò Lời về tình hình hoạt động của bến và hành khách đã tự giác sử dụng phao cứu sinh chưa? Ông chủ bến cho biết, khách qua đò vẫn đều đặn, nguồn thu ổn định vì ngày nào cũng có người qua đò để làm cho các nhà máy, khu công nghiệp. Ông cũng không giấu giếm về thực tế bến đò: “Bến đò của tôi thường xuyên được các lực lượng chức năng đến tuyên truyền các quy định của Luật GTĐT nội địa, kiểm tra các điều kiện an toàn. Tôi cũng tự nguyện cam kết và đã tuân thủ các điều kiện của bến đò về mở bến, đăng ký, đăng kiểm định kỳ phương tiện, người lái đủ chứng chỉ chuyên môn, không chở quá tải, trang bị đầy đủ phao cứu sinh cho hành khách.... Tuy vậy, thú thực là số hành khách qua đò sử dụng phao cứu sinh cá nhân trên mỗi chuyến đò cũng chỉ được 30- 40%”.
>>>Xem thêm video:
Ông giãi bày thêm: “Khách qua đò có nhiều người làm công việc quản lý, văn phòng của nhà máy, khu công nghiệp, ăn mặc tươm tất nên tôi ví như hành khách “công chức”, bến đò “công chức”. Có lẽ cũng vì họ ngại xấu hình ảnh hay bẩn quần áo nên có người nhất định không chịu nhận áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh. Có người nhận xong lập tức vứt trả lại. Mình làm căng quá cũng khó”.
Nêu lên nỗi niềm của chủ đò nhưng ông cũng cam kết tiếp tục vận động khách sử dụng phao cứu sinh và tin rằng sẽ “mưa dầm thấm lâu”, tạo lan tỏa giữa các hành khách. Và nếu có sự nhắc nhở, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, chắc chắn sẽ khiến những hành khách “công chức” kia ý thức hơn trong việc thực hiện quy định của pháp luật giao thông đường thủy, về việc sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi qua đò.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận