Đường thủy

Bến nổi không phép náo loạn sông Lô

31/07/2021, 08:00

Hàng loạt bến thủy nổi không phép công nhiên hoạt động trên sông Lô trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý.

Thực trạng này không chỉ gây mất trật tự ATGT mà còn khiến Nhà nước thất thu số lượng lớn thuế, phí.

Công khai chiếm luồng lập bến nổi

Những ngày cuối tháng 7/2021, dù nhiều địa phương đang phải giãn cách do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, hoạt động bốc xếp hàng hóa trên sông Lô vẫn diễn ra tấp nập.

img

Các bến nổi công khai lấn chiếm luồng đường thủy sông Lô

Trong đó, sôi động nhất là tại các đoạn qua địa bàn TP Việt Trì, huyện Phù Ninh, Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ)… với chủ yếu mặt hàng cát, sỏi, vật liệu xây dựng, than, clinker, gỗ dăm.

Tấp nập nhất là tại đoạn Km 60 - Km 62, địa phận xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng, thường xuyên có hàng trăm tàu chở hàng lớn nhỏ neo đậu chở làm hàng trước các cảng, bến.

Nơi đây hình thành khu neo đậu với gần chục bến nổi án ngữ ngay trên luồng đường thủy để chuyển tải, sang mạn hàng hóa (chủ yếu là cát, sỏi). Các bến nổi này trở thành các điểm chướng ngại vật trên luồng, gây nguy hiểm cho phương tiện qua lại.

Mỗi bến nổi đều có 1 - 2 máy gầu xúc bánh xích được đặt trên tàu cỡ lớn hoặc ụ nổi (pông-tông) để múc cát, sỏi từ tàu nhỏ sang tàu lớn. Các máy cẩu không có hệ thống dây neo buộc cố định vào tàu, không có trụ neo, phao neo hay hệ thống báo hiệu đường thủy để cảnh báo phương tiện thủy trên tuyến.

Trên các máy xúc, phương tiện thủy đặt gầu xúc đều không có biển số, chứng nhận đăng kiểm. Hầu hết tàu hàng neo đậu xung quanh để cung cấp hoặc nhận hàng cũng không có đăng ký, đăng kiểm hoặc chứng nhận đăng ký, đăng kiểm đã hết hạn, không được phép hoạt động.

Đơn cử, tàu VP-1314 có trọng tải hơn 340 tấn hết hạn đăng kiểm từ tháng 4/2018. Tàu VP-0995 trọng tải hơn 320 tấn hết hạn đăng kiểm từ tháng 6/2016. Hay tàu có số đăng kiểm VR-15041273 không gắn biển số. Còn tàu TQ-1067 không có chứng nhận đăng kiểm… Các tàu này khi neo đậu tại bến nổi đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Anh Hà, thuyền viên tàu TQ-1067 cho biết, các tàu nhỏ lấy cát, sỏi ở phía thượng nguồn sông Lô và cập ở các bến nổi để bán cho các tàu to chở về hạ lưu. Tàu mua và bán chỉ thống nhất với nhau về giá mua, bán cát sỏi, còn tiền bốc dỡ do tàu mua hàng trả.

“Hai bờ có các cảng, bến thủy nhưng tàu vào đó bị kiểm tra giấy tờ, lại phải nộp phí cảng vụ nên neo đậu ở bến nổi tiện hơn. Trung bình mỗi tuần tôi chạy được hai chuyến, chưa lần nào bị ai kiểm tra, xử phạt”, anh Hà nói.

Khi thấy PV tiếp cận tàu đặt máy xúc, lập tức xuất hiện 2 chiếc đò máy nhỏ, chạy cắt mặt phương tiện chở PV tác nghiệp và bám theo để quay phim. Có đối tượng theo PV lên tận bờ và có lời lẽ hăm dọa PV nếu tìm hiểu về các bến nổi nói trên.

Cảng, bến vô tư lấn sông quy mô lớn

img

Một bến nổi nằm ngay trên luồng đường thủy sông Lô qua huyện Đoan Hùng, Phú Thọ

Xác nhận về tình trạng tồn tại các bến nổi nêu trên, ông Trần Xuân Khơi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy số 1 (đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy sông Lô) cho biết: “Nhiều tàu thuyền cũng phản ánh về tụ điểm này, song đơn vị chỉ có chức năng, bảo trì hạ tầng luồng tuyến nên phải trông chờ lực lượng có chức năng, thẩm quyền. Cũng không rõ ai làm chủ các bến nổi, khu neo đậu trên”.

Tìm hiểu của PV, các tụ điểm bến nổi, khu chuyển tải hàng hóa không phép trên sông Lô diễn ra từ 2 - 3 năm nay. Tuy nhiên, trước đây do chưa có quy định pháp luật về loại hình hoạt động trên nên một số lần cơ quan chức năng kiểm tra xong đâu lại vào đấy.

Một cảng vụ viên Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết, Nghị định số 08/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, quy định về việc cấp phép mở loại hình khu neo đậu chuyển tải hàng hóa đường thủy.

Hầu hết tụ điểm khu neo đậu trên sông Lô hiện hoạt động không phép, nên cơ quan cảng vụ đường thủy không có thẩm quyền kiểm soát, làm thủ tục cho phương tiện vào, rời khu neo đậu và thu phí, lệ phí.

Ngoài tình trạng trên, khảo sát của PV trên sông Lô đoạn qua huyện Đoan Hùng, hàng loạt bến thủy hết hạn giấy phép từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn hoạt động bình thường. Tàu thuyền khi vào hoạt động không phải làm thủ tục, nộp phí, lệ phí như các cảng, bến có phép; xe tải ra, vào bến cũng không bị kiểm soát tải trọng.

Tìm hiểu của PV, các hoạt động san lấp, lấn dòng chảy sông Lô tại huyện Đoan Hùng để mở rộng cảng, bến thủy diễn ra từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên lực lượng chức năng quản lý tuyến đường thủy và chính quyền địa phương không kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Theo tài liệu PV thu thập được, một số bến có vi phạm nghiêm trọng như trên tập trung tại Km 60 - Km 62 (huyện Đoan Hùng): Bến của Công ty TNHH Cẩm Linh, Công ty TNHH Hương Anh Đoan Hùng, Công ty TNHH Thái Bình, bến Hải Phúc… với việc tự đắp nền cao hàng chục mét và mở rộng hạ tầng bến ra sông 15 - 22m.

Hợp thức hóa vi phạm để không phải chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu, sau khi hoàn tất việc tự lấn mở rộng mặt bằng, ngày 9/3/2021, các chủ cảng, bến đồng loạt có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Phú Thọ “xin gia cố bờ” của các bến bãi vi phạm.

Về phía Sở GTVT Phú Thọ, đơn vị này có văn bản gửi Sở NN&PTNT “thống nhất với đề xuất” của các doanh nghiệp vì các cảng, bến có trong quy hoạch; UBND huyện Đoan Hùng cũng đề nghị Sở NN&PTNT tạo điều kiện để các bến gia cố và cấp phép hoạt động.

Tháng 4-5/2021, Sở NN&PTNT Phú Thọ có văn bản yêu cầu các đơn vị có bến bãi vi phạm phải thanh thải, khắc phục phần mặt bằng lấn chiếm; đề nghị UBND huyện Đoan Hùng chỉ đạo xử lý nghiêm các bến, bãi vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.