Sân ga, bến xe bus vắng tanh vì đình công
Hiệp hội Sân bay ADV ước tính 380.000 hành khách bị ảnh hưởng khi các chuyến bay bị đình trệ tại 2 sân bay thuộc hàng lớn nhất nước Đức ở Munich và Frankfurt trong ngày 27/3.
Nhiều hành khách buộc phải ngủ trên ghế vì thời gian chờ đợi quá lâu.
Nhà vận hành đường sắt Deutsche Bahn cũng hủy các chuyến tàu trong ngày 27/3. Tại thành phố Cologne, tình trạng thiếu tàu trong thành phố đã khiến nhu cầu taxi tăng vọt.
Ga tàu vắng lặng tại thủ đô Berlin, Đức trong cuộc đình công ngày 27/3. Ảnh - Reuters
Ông Martin Burkert, Chủ tịch công đoàn vận tải - đường sắt EVG, cảnh báo khả năng các cuộc đình công sẽ còn tiếp diễn kể cả thời gian nghỉ lễ Phục sinh.
Ông Joerg Kraemer - chuyên gia thuộc ngân hàng Commerzbank, cho rằng tác động kinh tế của cuộc đình công ngày 27/3 đối với lĩnh vực giao thông vận tải của nước Đức vẫn ở mức khá hạn chế. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo thiệt hại có thể gia tăng nếu tình trạng đình công kéo dài.
Đình công lớn nhất tại Đức trong hàng thập kỷ do lạm phát tăng cao
Cuộc đình công kéo dài 24 giờ do công đoàn Verdi và công đoàn EVG kêu gọi nhằm thúc đẩy tăng lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Nhân viên tham gia đình công mặc đồng phục, thổi còi, giơ biểu ngữ, vẫy cờ trên đường phố.
Công đoàn Verdi đại diện cho 2,5 triệu lao động yêu cầu mức tăng lương 10,5%, tức tăng ít nhất 500 Euro/tháng. Trong khi đó, công đoàn EVG đang thay mặt đàm phán cho 230.000 lao động tại công ty đường sắt nhà nước Deutsche Bahn và các công ty xe bus, yêu cầu mức tăng lương 12%, tương đương tăng ít nhất 650 Euro/tháng.
Trong khi đó, các công ty sử dụng lao động chỉ đề nghị mức tăng lương 5% trong giai đoạn 27 tháng và khoản thanh toán một lần 2.500 Euro. Về phần mình, các công đoàn đại diện cho người lao động cho rằng mức đề xuất tăng lương này là không thể chấp nhận được trong bối cảnh mức lạm phát tại Đức đã lên tới 9,3% vào tháng 2.
“Người lao động đã quá ngán ngẩm với những lời hứa hẹn trong khi điều kiện làm việc thì ngày càng tồi tệ”, lãnh đạo công đoàn Verdi - ông Frank Werneke cho biết.
Theo công đoàn Verdi, đây là cuộc đình công lớn nhất tại Đức kể từ năm 1992.
Bộ Nội vụ Đức cho rằng yêu cầu tăng lương của các công đoàn tương đương khoản chi phí tăng thêm 1,4 tỷ Euro/năm.
Nếu thỏa thuận được mở rộng với công nhân thuộc các lĩnh vực công khác, nhân viên công vụ về hưu, thẩm phán, quân nhân thì chi phí tăng thêm sẽ lên tới 4,7 tỷ Euro/năm.
Các công ty sử dụng lao động cũng cảnh báo việc tăng lương cho công nhân ngành vận tải có thể dẫn tới tình trạng tăng giá vé.
Đức, quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng giá cả tăng cao, tỷ lệ lạm phát vượt quá mức trung bình của khu vực đồng Euro trong những tháng gần đây.
Cuộc đình công ngày 27/3 tại Đức là một phần trong loạt cuộc đình công tại nhiều nền kinh tế lớn tại châu Âu trong những tháng qua trong bối cảnh giá thực phẩm, năng lượng tăng cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Một số hình ảnh giao thông tại Đức đình trệ do công nhân vận tải đình công:
Người lao động tham gia đình công, yêu cầu tăng lương tại Hamburg, Đức ngày 27/3. Ảnh - Reuters
Ga tàu điện ngầm tại Munich, Đức đóng cửa vào ngày 27/3. Ảnh - Reuters
Đường ray tại ga tàu hỏa chính ở Munich vắng bóng tàu hoạt động trong ngày 27/3. Ảnh - Reuters
Ga tàu hỏa chính tại Munich chỉ có lác đác vài khách. Ảnh - Reuters
Ga tàu điện tại Munich, Đức vắng lặng trong cuộc đình công ngày 27/3. Bảng điện tử thông báo đình công làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tàu điện. Ảnh - Reuters
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận