Doanh nghiệp vận tải kêu khó xin "lốt" tại bến xe
Tại tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở" do Báo Giao thông tổ chức chiều 18/12, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, dưới góc nhìn doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các đơn vị hoạt động xe hợp đồng trá hình hiện nay rất muốn vào bến, nhưng rất trăn trở bởi để vào được bến xe, phải qua quá trình đăng ký suất lốt, chưa kể công suất bến xe cũng phải đáp ứng được.
Trong khi đặc thù của địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, việc đăng ký, cấp lốt chạy cũng gặp khó vì quỹ đất, hạ tầng giao thông còn hạn chế.
"Hạn chế về hạ tầng khiến việc giải bài toán đối với sự gia tăng chóng mặt của loại hình xe hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn", ông Bằng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và vận tải Vân Anh cho rằng, các xe hợp đồng trá hình rất muốn vào bến nhưng đặt câu hỏi: Liệu bến xe của Hà Nội có đáp ứng được hàng trăm ngàn xe đồng loạt vào bến hay không? Từ đó, cho rằng cần phải có sự quản lý linh hoạt hơn.
Cũng theo ông Dũng, hiện mỗi tháng công ty Vân Anh đang vận chuyển khoảng 50.000 lượt xe nhưng nhu cầu hành khách lớn hơn nhiều, còn nhiều dư địa chưa thể khai thác do khó khăn khi xin lốt xe.
"Thực tế để xin lốt từ các huyện ở Thanh Hoá lên Hà Nội rất vất vả, không chỉ qua một khâu mà nhiều khâu. Chúng tôi đã thực hiện xin lốt xe ở Sầm Sơn nhưng cả năm nay vẫn chưa xin được", ông Dũng nói và nhìn nhận: Chính những vấn đề này đang gây khó khăn cho tuyến cố định và càng khó cho tuyến cố định thì xe hợp đồng càng nở rộ.
Bổ sung thêm ý kiến xe hợp đồng có nên vào bến hay không, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, điều mong muốn của doanh nghiệp vận tải là hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Do đó, bài toán đặt ra ở đây không phải doanh nghiệp vận tải có vào bến hay không mà là khách có vào bến hay không.
Hiện đang có thực trạng tồn tại nhiều lốt ảo tại các bến xe, dẫn đến tình trạng "anh có lốt lại không khai thác, người muốn vào bến thì không còn suất để vào".
Dẫn chứng tại Quảng Ninh hiện có tới 300 lốt không dùng, nhưng doanh nghiệp khác muốn vào lại không được, ông Hải cho rằng, cần phải có cách gỡ để quản lý tốt hơn xe hợp đồng.
Bến xe còn nhiều dư địa, thủ tục đăng ký rất thông thoáng
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, công suất của Bến xe Nước Ngầm hiện có hơn 1.000 lốt/ngày, từ sau dịch Covid-19 thực tế chỉ còn hơn 490 lốt/ngày.
Tuy nhiên nếu xét theo danh mục công bố mạng lưới tuyến cố định hiện nay của Bộ GTVT thì Bến xe Nước Ngầm đã quá tải bởi lượng xe ảo rất lớn.
Chính vì thế, Bến xe Nước Ngầm đã có đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại mạng lưới tuyến cố định, đề nghị bỏ quy định để 20% lốt dự phòng cho những ngày lễ, tết; cắt bỏ lốt của những doanh nghiệp có đăng ký lốt trên mạng của Bộ GTVT mà lâu không đưa xe vào hoạt động, hoặc đăng ký mà không chạy đủ tần suất đăng ký.
Nếu thực hiện được những điều trên, Bến xe Nước Ngầm sẽ còn hơn 500 lốt trống. Các bến xe khác, nếu tính toán lại như trên cũng sẽ còn khá nhiều lốt để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cần phải suy nghĩ có giải pháp để thu hút các nhà xe vào bến, hành khách vào bến. Hiện có rất nhiều đơn vị vận tải có nhu cầu vào bến sau khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Hiện nay, thủ tục đăng ký vào bến của Bộ GTVT rất thông thoáng. Các đơn vị có thể đăng ký trên cổng dịch vụ công, căn cứ biểu đồ.
Nhưng thực tế còn hiện tượng giữ lốt, xuất phát từ cơ chế chính sách. Cụ thể, Nghị định 86 quy định các phương tiện phải hoạt động 70% theo lốt đã đăng ký, nhưng Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 khi ban hành lại quy định các Sở GTVT xử lý, thu hồi các đơn vị trong trường hợp 60 ngày không hoạt động. Do đó, có hiện tượng các doanh nghiệp hoạt động rất ít nhưng vẫn đảm bảo có hoạt động trong 60 ngày, dẫn đến khó xử lý.
Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị với Cục Đường bộ VN khi sửa Nghị định 10 cần quy định: Đơn vị vận tải phải hoạt động đảm bảo 70% lốt đã đăng ký.
Ngoài ra, ông Tuyển cũng cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động tuyến cố định phải tự nhìn nhận lại mình, chú ý tới các vấn đề như quảng bá hình ảnh, bán vé, chất lượng phương tiện, phòng chờ... để thu hút hành khách.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình lách luật, gây mất trật tự an toàn giao thông, môi trường kinh doanh vận tải tại các địa phương.
Phía Cục Đường bộ VN, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho rằng, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần bàn bạc, đề xuất để đưa ra các giải pháp sao cho vừa đảm bảo quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải, vừa tạo thuận lợi cho người dân.
Đơn cử có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách.
Ngoài ra, khi các xe kinh doanh vận tải trá hình được quản lý tốt hơn, không thể gom khách dọc đường, người dân cũng sẽ buộc phải ra bến xe.
Về băn khoăn xe tuyến cố định vào bến có hoạt động được không, có hành khách không, ông Nguyễn Văn Lập cho biết, tại bến xe Nước Ngầm có một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình như Văn Minh, An Phú Quý hiện không bao giờ phải lo về khách.
"Tôi cho rằng, các doanh nghiệp vận tải hành khách lớn, kể cả xe hợp đồng muốn xây dựng thương hiệu khi vào bến cũng không lo về vấn đề kinh doanh.
Nói thêm về việc tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển ra bến xe, ông Lập cho biết, hiện nay nhiều đơn vị vận tải đã đưa xe trung chuyển vào hoạt động đưa đón, trung chuyển hành khách từ nhà ra bến xe và lượng khách duy trì vẫn tốt.
Ngoài ra, ông Lập đề xuất nên có mô hình xe trung chuyển do công ty đứng ra thực hiện chung tại một thành phố, ứng dụng phần mềm để đặt xe cho người dân dễ dàng sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận