Ngày 10/1, Bác sĩ Huỳnh Minh Phú, Phó Giám đốc Bệnh viên đa khoa TP Cần Thơ cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt áp dụng từ ngày 1/1, lượt bệnh nhân nhập viện do rượu, bia đã giảm.
Theo thống kê, từ ngày 1/1 đến ngày 12/1, Bệnh viên đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận 24 ca TNGT vào viện, trong đó có 2 trường hợp (chiếm 8,3%) liên quan đến nồng độ cồn.
“Cùng kỳ những năm trước, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do TNGT liên quan đến nồng độ cồn chiếm đến 40%. Tuy nhiên, năm nay, con số này giảm đến hơn 30%”, bác sĩ Huỳnh Minh Phú nói.
Theo Phòng Kế hoạch- Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, từ ngày 1 đến ngày 8/1, 53 trường hợp vào viện do TNGT liên quan đến nồng độ cồn, trong đó có 31 người nhập viện điều trị. Con số này giảm so với cùng kỳ 2019.
Cũng theo ông Phú, việc sử dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới não bộ. Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể, chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể, khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liễu lĩnh hơn.
Mặt khác, rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số các bệnh lý rối loạn tâm thần. Từ những ảnh hưởng nói trên, người điều khiển phương tiện không nên sử dụng rượu, bia vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, mất tập trung khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông làm ảnh hưởng đến bản thân và mọi người xung quanh.
“Người Việt thường có thói quen uống rượu, bia dịp Tết đến, Xuân về. Để đảm bảo cho sức khỏe, mọi người nên dùng lượng ít để chúc nhau vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì không nên uống rượu bia tránh tình trạng bị phạt làm mất ý nghĩa vui trong ngày Tết”, bác sĩ Huỳnh Minh Phú chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận