Thiếu thuốc, thiếu vật tư, bệnh nhân tham gia BHYT chịu thiệt
Trong suốt thời gian qua tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế diễn ra ở nhiều cơ sở y tế tại nhiều địa phương. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới công tác khám chữa bệnh và quyền lợi người bệnh tham gia BHYT khi phải tự chi trả tiền thuốc điều trị đáng ra được hưởng.
Thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng quyền lợi người bệnh tham gia BHYT (ảnh minh họa))
Điển hình, trường hợp người bệnh đái tháo đường đến khám tại một bệnh viện tại Hà Nội, được bác sĩ kê đơn 3 loại thuốc, nhưng do bệnh viện thiếu thuốc nên 2/3 loại thuốc là insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường phải tự mua ngoài. Đáng nói 2 loại thuốc này đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng. Với đơn thuốc này, mỗi tháng người bệnh tự chi trả khoảng 450 nghìn đồng.
Hiện có hơn 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm; 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế cho phép thực hiện, nhưng chỉ 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT.
Nhiều người bệnh tham gia BHYT đặt câu hỏi “do bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh phải tự ra ngoài mua, liệu có được quỹ BHYT chi trả?”
Về vấn đề này, giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội thổ lộ: "Đây là câu hỏi khó vì chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào. Tôi có nghe ở một số nơi có 1 số bệnh nhân đặc thù sau khi mua thuốc BHYT bên ngoài, mang hóa đơn về BHXH cơ sở thanh toán.
Tuy nhiên, nếu là việc phổ biến thì khó có thể có cơ chế như vậy hoặc nhiều bệnh nhân đều phải mua thuốc ngoài như vậy thì khó mà thực hiện được. Cho nên với câu hỏi như vậy, cho dù chúng tôi hết sức băn khoăn nhưng cũng chưa biết trả lời thế nào với người bệnh".
BHXH vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế để triển khai việc thanh toán
Trả lời về nội dung này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết: “Hiện chưa có quy định về thanh toán BHYT khi người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do bệnh viện hết thuốc vì chậm đấu thầu. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ rõ cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế nên để thiếu là trách nhiệm của các cơ sở này.
Việc có được hoàn trả thanh toán hay không và nếu có thì tính cho bệnh viện hay cho người bệnh đều phải chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Luật Bảo hiểm y tế cũng có quy định Bộ trưởng Y tế được quyết định trong một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp”.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, cần xác định đây có phải là trường hợp đặc biệt hay không. Hiện, BHXH vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế để triển khai việc thanh toán này.
Nếu thanh toán sẽ có hai hình thức, cơ sở y tế thanh toán lại cho người bệnh sau đó BHXH sẽ quyết toán với cơ sở đó. Hoặc thanh toán trực tiếp cho người bệnh, tuy nhiên cách này sẽ khó vì thanh toán mức giá nào…
“Quan điểm của BHXH là không khuyến khích việc người bệnh tự đi mua thuốc ngoài. Bệnh viện phải có trách nhiệm để vừa đảm bảo đúng mức giá, chất lượng thuốc và quyền lợi của người bệnh khám chữa BHYT", ông Phúc chia sẻ.
Theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, ước thực hiện đến hết tháng 6/2022 có: trên 17,1 triệu người tham gia BHXH đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia BHTN đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận