Chất lượng sống

Bệnh viện ung bướu miễn phí ở Đà Nẵng giờ ra sao?

27/11/2016, 13:22

Thành lập từ ý tưởng của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, bệnh viện miễn phí Đà Nẵng giờ ra sao?

32

Bếp ăn miễn phí, một “đặc sản” của BV Ung bướu Đà Nẵng

Được thành lập từ ý tưởng của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, mô hình bệnh viện miễn phí - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng một thời là địa chỉ cưu mang cho hàng ngàn bệnh nhân mang “án tử”. Sau hơn một năm chuyển đổi mô hình sang bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng giờ hoạt động thế nào?

Ở bệnh viện sướng như ở nhà

Nửa năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, gia đình ông Nguyễn Đình Phúc (SN 1953, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) kiệt quệ. Thuộc diện nghèo, ông Phúc càng thêm khó khăn. Những ngày điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, dù được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh theo diện BHYT hộ nghèo nhưng tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm chi trả vẫn lên đến 3-4 triệu đồng/tháng.

Nỗi lo chi phí điều trị đang đè nặng, cách đây ba tháng, bà Nguyễn Thị Đây (SN 1959, vợ ông Phúc) được bệnh viện giới thiệu, làm đơn gửi Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng (từng là đơn vị chủ quản của bệnh viện trước đây - PV) xin trợ giúp. Sau đó, ông đã được hội hỗ trợ toàn bộ phần chi phí tăng thêm. “Miễn viện phí, hỗ trợ lưu trú, ăn ở gia đình làm giảm nhẹ nỗi lo toan. Ai cũng biết đã mang án ung thư thì hầu như rơi vào ngõ cụt, bế tắc mọi bề. Nhờ mô hình này của bệnh viện, chúng tôi thêm an tâm điều trị”, bà Đây bộc bạch.

Theo anh Trần Văn Nhân, chuyên viên Phòng Hành chính - Quản trị bệnh viện, ngoài các chi phí hỗ trợ bệnh nhân theo quy định, các bệnh nhân có hộ khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam (chiếm 60% số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện) thuộc diện bảo hiểm hộ nghèo đều được bệnh viện kết hợp Hội Bảo trợ lo liệu tất cả chi phí. Theo anh Nhân, ngoài người nhà bệnh nhân được bố trí ở miễn phí, những người ở xa đến khám bệnh buộc phải ở lại nhiều ngày để theo dõi cũng được chúng tôi tư vấn đăng ký ở khu nội trú để tiết kiệm chi phí. Khu nội trú của bệnh viện có 96 phòng, công suất 4 giường/phòng, đủ sức chứa đến 500 người.

Đối với những bệnh nhân ngoài hai địa phương trên, các bếp ăn từ thiện hay nhà nội trú miễn phí được tổ chức tại bệnh viện san sẻ rất lớn chi phí cho người bệnh. Chuẩn bị cùng chồng về quê sau đợt xạ trị, chị Nguyễn Thị Kim Ái (SN 1975, trú Đắk Song, Đắk Nông) thêm lạc quan: “Vợ chồng giờ về quê làm ruộng tiếp, ba tháng sau lại xuống ở khu nội trú”. Chị Ái kể, chồng chị phát hiện bệnh từ nửa năm trước. Hai vợ chồng ngược xuôi vay mượn xuống TP.HCM thăm khám. Dù thẻ BHYT giúp giảm viện phí được 80%, nhưng chi phí ăn ở, đi lại tại TP.HCM quá đắt đỏ khiến gia đình không kham nổi.

“Nghe nói ở Đà Nẵng có bệnh viện ung bướu lo chỗ ăn, chỗ ở miễn phí, tôi khuyên chồng ra đây trị bệnh. Quả thật, ở bệnh viện mà sướng như ở nhà, đến giờ đi lấy cháo về ăn, giường ngủ rộng rãi, khu vệ sinh sạch sẽ và đều được miễn phí. Tại gian bếp của bệnh viện có bốn đầu bếp chính thay phiên nhau làm việc, hai người/ca/8 tiếng. Lửa trong khu bếp này luôn đỏ rực từ 3h sáng hàng ngày, sẵn sàng phục vụ ngày ba bữa cháo miễn phí, trung bình 2.000 suất/ngày, bất kể lễ Tết”, chị Ái hồ hởi cho biết.

Được biết, từ tháng 10/2016, bệnh viện thành lập Khoa Dinh dưỡng do bác sĩ Phạm Văn Hòa phụ trách. “Khoa mới lập nên bước đầu cố gắng tạo ra các bữa ăn có giá trị dinh dưỡng cao nhất cho người bệnh. Chúng tôi đang nghiên cứu trình phương án lên lãnh đạo bệnh viện về việc tư vấn cho từng nhóm bệnh cụ thể cách thức ăn uống hợp lý, từ đó trực tiếp cung cấp các nhóm thức ăn cho bệnh nhân”, bác sĩ Hòa cho hay.

Mô hình mới, mục tiêu cũ: Nhân văn

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trước đây khi bệnh viện trực thuộc Hội bảo trợ (bệnh viện ngoài công lập), để duy trì việc miễn giảm viện phí cho người dân địa phương gặp nhiều khó khăn vì không đủ nguồn lực. Năm 2013, tổng doanh thu của bệnh viện đạt 69 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động đến 95 tỷ. Năm 2014, bệnh viện tiếp tục bội chi 20 tỷ đồng. Để giảm bớt khó khăn thời điểm đó, UBND TP Đà Nẵng đã trích ngân sách hỗ trợ 20 tỷ để bệnh viện tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, việc này được Bộ Tài chính cảnh báo trái với quy định của Luật Ngân sách vì bệnh viện cũ trực thuộc Hội bảo trợ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Giao thông, bác sĩ Nguyễn Út, Giám đốc bệnh viện cho biết, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được thành lập từ tháng 9/2015 trên cơ sở tổ chức lại Khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp nhận nguyên trạng Bệnh viện Ung thư (cũ) từ Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng. Từ đó đến nay, với quy mô 550 giường, công suất giường bệnh tăng đến 120%, số lượng bệnh nhân cũng tăng gấp đôi so với trước. Theo thống kê, bệnh viện đã và đang tiếp nhận bệnh nhân từ 62 tỉnh, thành trên cả nước, trở thành bệnh viện khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo bác sĩ Út, ngoài bệnh nhân nghèo được Hội Bảo trợ hỗ trợ chi phí, những người có nhu cầu khám dịch vụ, bệnh viện thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, với các bác sĩ giỏi lấy từ nguồn thu hút nhân tài của thành phố, bệnh viện tạo tiếng vang trong việc phát hiện và chữa trị bệnh ung thư môi hiếm gặp bằng cách lấy cơ ngực tái tạo môi sau khi mổ. Bệnh viện còn tiên phong tạo hình vú thẩm mỹ trở lại sau khi chữa khỏi ung thư vú cho nhiều phụ nữ, giúp họ bớt mặc cảm khi hòa nhập cuộc sống.

“Khi trở thành bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế, được rót ngân sách hoạt động hàng năm, bệnh viện vơi nỗi lo chi phí, chuyên tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để trở thành bệnh viện chữa ung thư hàng đầu Việt Nam”, bà Yến đánh giá và nhấn mạnh: Dù hoạt động theo mô hình nào, bệnh viện vẫn kiên trì đeo đuổi tính nhân văn, nhân đạo trong khám chữa bệnh, chăm lo cho bệnh nhân nghèo và người nhà của họ.

Sáng 1/9/2015, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định ngày 15/8/2015 của UBND TP Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Khoa Ung bướu trực thuộc Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, người lao động, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, tài sản của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và Trẻ em nghèo. Tiếp nhận nhiệm vụ mới khi đó, bác sĩ Nguyễn Út chia sẻ: “Tôi nhận thức sâu sắc rằng, đây là niềm vinh dự nhưng cũng hết sức nặng nề. Và xin hứa ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, xây dựng và lãnh đạo bệnh viện không ngừng phát triển; Tiếp tục thực hiện tính nhân văn sâu sắc mà anh Nguyễn Bá Thanh - cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cố Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, người đã dành nhiều tâm huyết, thời gian và công sức, khơi nguồn, sáng lập, đặt nền móng cho Bệnh viện Ung bướu”.

Theo tin mới nhất, Bộ Y tế vừa chấp thuận cho BV Ung bướu Đà Nẵng trở thành bệnh viện vệ tinh của BV Ung bướu TP HCM, giúp quá trình trao đổi chuyên môn, phối hợp cứu chữa người bệnh linh hoạt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.