Quản lý

“Bèo bọt” phí quản lý dự án giao thông: Các PMU lo “chảy máu” chất xám

06/08/2021, 08:56

Lương của kỹ sư giao thông hiện nay chỉ tương đương với công nhân, thậm chí còn thấp hơn cả công nhân bậc 6, bậc 7.

Được ví như những cánh tay nối dài của Bộ GTVT trong công tác quản lý đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, tuy nhiên, chi phí quản lý dự án thấp kèm theo nguồn công việc khan hiếm khiến nhiều ban quản lý dự án (PMU) rơi vào tình trạng “chảy máu” chất xám và rất khó khăn để duy trì bộ máy.

img

Do định mức chi phí quản lý dự án thấp, nếu không có nguồn việc gối đầu, các ban quản lý dự án giao thông sẽ đều rơi vào tình trạng khó khăn (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45)

Làm thuê cho chủ đầu tư khác để duy trì bộ máy

Tháng 9/2017, công trình cầu Tân Vũ - Lạch Huyện sử dụng vốn ODA có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng được khánh thành đưa vào khai thác cũng là lúc khởi đầu chu kỳ đầy gian nan, thử thách của Ban QLDA 2 trong việc duy trì bộ máy hoạt động, bởi nguồn kinh phí quản lý dự án đã cạn trong khi nguồn công việc mới đang trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.

Nhớ lại giai đoạn 2017 - 2018, đại diện Ban QLDA 2 ví von: “Lúc đó, chẳng khác nào thời điểm giáp hạt. Dự án cũ vừa kết thúc, kinh phí cũng gần như không còn bởi chi phí quản lý dự án được hưởng quá thấp, Ban QLDA 2 phải xoay trở đủ mọi cách để có nguồn duy trì hoạt động của bộ máy và trả lương cho cán bộ, công nhân viên”.

“Khó khăn đến mức lãnh đạo trong ban còn phải họp bàn đưa ra chủ trương đi vay tiền để trả lương cho anh em, nhưng phương án này không thể thực hiện được vì vướng quy định. Trước tình thế đó, chúng tôi phải xin ý kiến Bộ GTVT cho phép đi làm thêm tư vấn quản lý dự án cho các chủ đầu tư khác tại dự án đường Vành đai 2 trên cao TP Hà Nội đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở”, vị này chia sẻ.

Tuy vậy, để duy trì hoạt động bộ máy với đội ngũ nhân sự lên tới 250 người kể từ thời điểm hợp nhất Ban QLDA ATGT và Ban QLDA 2 vào năm 2017, nguồn kinh phí từ việc làm thêm tư vấn quản lý dự án cho chủ đầu tư bên ngoài là không đủ.

Ban QLDA 2 phải tinh giản bộ máy, nhân sự, sắp xếp lại các phòng ban, cắt giảm tối đa chi phí, thậm chí lãnh đạo ban đi công tác cũng không có chế độ đi xe của cơ quan.

“Có thời kỳ, nhiều cán bộ của chúng tôi phải nghỉ luân phiên, một số người xin chuyển công tác bởi thu nhập quá thấp so với các ngành nghề khác. Từ 250 nhân sự vào giữa năm 2017, sau nhiều lần tinh giản, đến nay, bộ máy của chúng tôi còn 142 người”, đại diện Ban QLDA 2 chia sẻ và cho biết thêm, những năm gần đây, được sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA 2 đang được giao triển khai các dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc, dự án nâng cấp QL19… nên nguồn việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân viên đã ổn định, không còn tình trạng nợ lương, chậm lương.

Thu nhập thấp, nhiều kỹ sư giỏi chuyển công tác

Từng tạo nên danh tiếng khi triển khai các dự án giao thông tầm cỡ như: Cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, thế nhưng kể từ khi hai công trình này hoàn thành vào đầu năm 2015, Ban QLDA 85 phải lay lắt suốt thời gian dài.

Ngay cả hiện tại, nguồn “sống” của đơn vị này chỉ tập trung vào chi phí được hưởng với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, để triển khai dự án, ngay từ năm 2018, đơn vị đã bố trí cán bộ hiện trường vào Ninh Thuận thực hiện công tác khảo sát, điều tra số liệu và thỏa thuận với địa phương, cơ quan ban, ngành về các vấn đề liên quan đến thiết kế.

Lương của kỹ sư giao thông hiện nay chỉ tương đương với công nhân, thậm chí còn thấp hơn cả công nhân bậc 6, bậc 7. Tôi đang tham gia hội đồng trường Đại học Xây dựng thấy rằng, việc tuyển sinh vào các khoa công trình, cầu đường rất khó khăn, điểm đầu vào thấp nhưng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, nguyên nhân chính là do nghề giao thông không còn hấp dẫn, áp lực công việc lớn nhưng mức lương không tương xứng. Ngay cả với TEDI, với cường độ làm việc và thu nhập như hiện nay, nhiều anh em đã phải chuyển sang nghề khác chứ làm nghề tư vấn quá vất vả.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI

Ngoài phòng điều hành dự án trực tiếp nằm trên hiện trường, Ban QLDA 85 còn phải huy động các phòng nội nghiệp: Kỹ thuật thẩm định, kế hoạch, tài chính, văn phòng… tham gia vào quá trình triển khai dự án.

“Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, thời gian triển khai công tác chuẩn bị dự án diễn ra rất nhanh. Về lộ trình thực hiện đầu tư, dự án sẽ tổ chức thi công trong 30 tháng, kết thúc vào cuối năm 2023. Sau đó, dự kiến cần thêm khoảng 1,5 năm nữa để hoàn thành quyết toán. Vòng đời dự án từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành quyết toán phải mất 5 - 6 năm nhưng phần chi phí Ban QLDA 85 được hưởng lại quá thấp, chỉ khoảng 10 - 11 tỷ đồng”, ông Vân chia sẻ.

Theo ông Vân, do định mức chi phí quản lý dự án thấp, nếu không có nguồn việc gối đầu, các ban quản lý dự án giao thông sẽ đều rơi vào tình trạng khó khăn.

Từ lúc cao điểm năm 2015, bộ máy của đơn vị có khoảng 130 nhân sự. Tuy nhiên, qua nhiều lần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hiện còn khoảng 87 người.

“Thời quan qua, dự án không nhiều, chúng tôi phải tiết giảm tối đa chi phí, lương của cán bộ, công nhân viên chỉ ở mức lương cơ bản. Ngoài việc tinh giản, do thu nhập quá thấp, cũng khá nhiều cán bộ, kỹ sư có năng lực, trình độ, kinh nghiệm đã xin chuyển công tác ra ngoài làm. Đây cũng là quy luật của cơ chế thị trường, bởi khi thu nhập không đảm bảo, thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác thì họ phải chuyển việc để lo cho cuộc sống gia đình, mình có giữ cũng không được”, ông Vân chia sẻ.

Đại diện Ban QLDA 85 cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét để tăng định mức chi phí quản lý đối với công trình giao thông để các ban quản lý dự án duy trì hoạt động, anh em kỹ sư giao thông có thể sống được bằng nghề. Nếu không tình trạng “cháy máu” chất xám tại các PMU, doanh nghiệp giao thông trong thời gian tới sẽ còn tiếp diễn.

Lương không đủ ăn sáng, đổ xăng xe

Đại diện Ban QLDA2 cho biết, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đơn vị hiện khoảng hơn 4 triệu/người/tháng. Dẫn chứng cụ thể, một cán bộ cấp trưởng phòng có thâm niên 25 công tác tại PMU2 chia sẻ: “Thu nhập một tháng của tôi chưa đầy 7 triệu, không đủ tiền ăn sáng và xăng xe. Mọi khoản chi trả trong gia đình, kể cả số tiến đóng học cho con từ vài năm nay trông cậy cả vào vợ”, vị này chia sẻ.

Đại diện Ban QLDA85 cho biết, thu nhập của cán bộ, công nhân viên khoảng 6 triệu đồng/người tháng.

Ngay cả Ban QLDA Thăng Long - đơn vị đang quản lý nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, đại diện đơn vị cho biết, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên cũng đang chỉ khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Kỹ sư giao thông bỏ nghề đi chạy Grab

Không chỉ định mức chi phí quản lý dự án, chi phí định mức đối với tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông cũng đang bộc lộ nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long cho biết, tại các dự án giao thông sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA), chi phí của tư vấn nước ngoài chiếm khoảng 4% giá trị xây lắp, nhưng với dự án sử dụng vốn trong nước, tư vấn chỉ được khoảng 1% giá trị là quá bất cập.

“Chúng tôi đang tham gia 5 gói thầu tư vấn giám sát tại 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Các dự án cao tốc đòi hỏi yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng… do đó yêu cầu kỹ sư tư vấn phải có chứng chỉ hành nghề chủ yếu là hạng 1, kinh nghiệm từ 8 - 10 năm trở lên mới được tham gia làm tư vấn giám sát nhưng mức lương lại thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Điều kiện làm việc của anh em giao thông rất khó khăn, vất vả, thường xuyên phải xa gia đình. Thời gian qua, nhiều kỹ sư của chúng tôi đã phải bỏ nghề để chuyển sang làm đầu tư tài chính, chứng khoán, thương mại, thậm chí là chạy Grab để được gần gia đình”, ông Duy Anh tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.