Vận tải

Bị "ép", doanh nghiệp Việt Nam gặp khó

06/03/2014, 20:37

Sau hơn 1 năm khai thông vận tải đường bộ các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước Việt Nam - Trung Quốc, DN Việt Nam vẫn đang gặp nhiều trở ngại khi tham gia vận tải hàng hóa và hành khách.

Hoàng Long là một trong số ít doanh nghiệp đăng kí tham gia các tuyến vận tải Việt - Trung
Hoàng Long là một trong số ít doanh nghiệp đăng kí tham gia các tuyến vận tải
Việt - Trung


Tuyến vận tải nhiều tiềm năng


Hiệp định vận tải đường bộ Việt - Trung mở ra một thị trường nhiều hứa hẹn cho doanh nghiệp vận tải hai nước. Theo thỏa thuận, phương tiện của Việt Nam được vào sâu lãnh thổ Trung Quốc tới Côn Minh, Nam Ninh, Thâm Quyến và ngược lại phương tiện của Trung Quốc được vào sâu lãnh thổ của Việt Nam tới Hà Nội và Hải Phòng theo một số tuyến đường được chỉ định. 


Đến nay, có ba tuyến vận tải đã được Bộ GTVT hai nước chính thức tổ chức thông xe là: Tuyến Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh và tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Thâm Quyến. Thông xe công vụ cũng đã bắt đầu từ 9/6/2013.
 

Hiệp định (sửa đổi) quy định 500 phương tiện vận tải thương mại của mỗi nước được phép qua lại 7 cặp cửa khẩu, hoạt động vận tải trên 26 tuyến vận tải hành khách và hàng hóa giữa hai nước (gồm 17 tuyến giáp biên giới và 9 tuyến vào sâu nội địa của nhau). Phương tiện được phép chạy thẳng từ một điểm của bên này tới một điểm vào sâu lãnh thổ của bên kia mà không phải dừng lại để chuyển tải tại khu vực biên giới.

Ông Vũ Văn Tuyến - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Long - một doanh nghiệp vận tải hành khách hàng đầu của Việt Nam đăng kí tham gia vận tải hành khách tuyến cố định cho biết, có rất nhiều tiềm năng trên các tuyến vận tải này. Ví dụ từ Hà Nội hoặc Hải Phòng đi Côn Minh là tuyến độc đạo để vận tải hàng hóa và hành khách. Vì đường cao tốc phía Trung Quốc đã được đầu tư, phía Việt Nam khoảng cuối năm nay cũng hoàn thành đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Từ Hà Nội hoặc Hải Phòng đi Thâm Quyến, dù đã có đường bay thẳng nhưng đây là hai khu vực kinh tế phát triển, tiềm năng cho đường bộ còn rất lớn.

Ông Lê Tiến Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty vận tải Bắc Kì cũng đặt nhiều kì vọng ở thị trường mới mẻ này trong vận chuyển hàng chính ngạch. “Hàng may mặc, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, hàng hóa của các công ty đa quốc gia có nhà máy sản xuất ở Việt Nam xuất sang Trung Quốc rất lớn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hy vọng sau này có thể chuyển tải hàng hóa qua Trung Quốc sang một nước thứ 3 như Nga, Belarut, Kazakhstan là các nước mà Việt Nam đã cùng tham gia liên minh thuế quan, mức thuế nhập khẩu hàng hóa bằng không…” - ông Nam nói.


Mới khai thông một phía


Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt - Trung, sau khi hai bên tổ chức Lễ khai thông các tuyến vận tải đường bộ từ giữa tháng 8/2012 đến nay, trên thực tế mới có các doanh nghiệp Trung Quốc vận tải được hành khách và hàng hóa vào sâu trong lãnh thổ của Việt Nam .


“Chúng ta hết sức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải của bạn nhưng phải thừa nhận là doanh nghiệp của ta lại đang gặp rất nhiều khó khăn” - bà Hiền cho biết.


Cũng theo bà Hiền, khởi đầu là phía bạn đòi phải có hộ chiếu công vụ đối với lái xe của các doanh nghiệp. Trong khi quy định là hộ chiếu công vụ chỉ cấp cho công chức đi công tác. Sau khi thống nhất bỏ được vấn đề hộ chiếu công vụ, thì tiếp tục phát sinh một số vấn đề khác liên quan đến Hải quan như: Phía Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp vận tải Việt phải có đại lý khai báo Hải quan, đăng ký thủ tục giám sát Hải quan phương tiện, đóng bảo lãnh khoảng 500.000 NDT (tương đương hơn 1,5 tỷ đồng). Thậm chí, phía bạn còn yêu cầu doanh nghiệp làm đại lý khai báo Hải quan phải là của Trung Quốc...


Với những quy định quá khắt khe này, đến nay, sau nhiều nỗ lực thì Công ty vận tải Bắc Kì cũng mới chỉ đi được một chuyến vào Trung Quốc. Trong khi đó, tính từ cuối tháng 8/2012 đến nay, đều đặn mỗi ngày có một chuyến xe vận tải hành khách của Công ty TNHH Tập đoàn vận tải ô tô Vận Đức của Trung Quốc chạy tuyến cố định Nam Ninh - Hà Nội (từ Bến xe Lãng Đông vào đón trả khách tại Bến xe Nước Ngầm). Về vận tải hàng hóa, riêng xe của Công ty Kim Hàng đã thực hiện thành công hàng trăm chuyến vận tải hàng hóa tới các nhà máy tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội.


Phương Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.