Bị cáo Phan Tín tại phiên tòa
Nỗi ân hận muộn màng
Trung tuần tháng 3/2021, tại TAND TP Đà Nẵng diễn ra phiên xét xử vụ án giết người, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ nhặt. Bị cáo trong vụ án là Phan Tín (32 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Bị hại là ông Nguyễn Văn Tuấn (58 tuổi, trú 241 Nguyễn Phước Nguyên, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Theo hồ sơ vụ án, Tín làm nghề tài xế taxi công nghệ. Khoảng 10h ngày 25/6/2020, Tín lái xe chở khách đến kiệt 241 Nguyễn Phước Nguyên, phường An Khê. Sau khi khách xuống xe, Tín đậu xe sát vỉa hè trước nhà số 239 và 241 Nguyễn Phước Nguyên và ngồi nghỉ trong xe để đợi đón khách về.
Thấy Tín đỗ xe trước tiệm cắt tóc của mình, ông Tuấn ra nói Tín đậu xe ô tô lên phía trước một chút để chừa đường cho khách vào cắt tóc. Tín trả lời: “Tôi đậu xe ngoài đường chứ có phải đậu trước nhà ông đâu, tôi không đi đó, ông làm gì?”, ông Tuấn nói lại: “Mi đi chứ không tao phá xe đó”.
Tín xuống xe, đi về phía ông Tuấn, gằn giọng đe doạ, đòi đánh. Ông Tuấn trả lời: “Mi giỏi thì mi đánh tao đi”. Lập tức, Tín đấm 1 cái trúng vùng mặt bên trái của ông Tuấn. Ông Tuấn dùng tay đánh lại vào người Tín và 2 bên giằng co nhau. Tín đấm 1 cái trúng vào vùng thái dương trái ông Tuấn làm nạn nhân ngã ngửa, đầu đập xuống đường bất tỉnh, máu chảy nhiều, nôn ói.
Thấy ông Tuấn nằm bất tỉnh, Tín lên ô tô điều khiển xe định rời khỏi hiện trường. Một số người dân gần đó và khách đi đường thấy Tín bỏ đi, đã chặn xe lại.
Con trai ông Tuấn là anh Phương từ tầng 2 chạy xuống, thấy bố bị đánh bất tỉnh, máu chảy ra đường nên xuống bếp lấy 2 con dao chạy đến chỗ xe ô tô của Tín chém vào kính xe phía trước bên trái (phía ghế tài xế) để gọi Tín xuống xe giải quyết nhưng Tín vẫn lái xe bỏ đi.
Anh Phương quay lại, cùng người thân đưa ông Tuấn đi cấp cứu. Đến khoảng 5h ngày 27/6/2020, ông Tuấn tử vong tại bệnh viện. Bác sĩ kết luận nguyên nhân cái chết của ông Tuấn là do xuất huyết não vùng thái dương hai bên.
Tại phiên tòa, người thân của tài xế Tín ngồi một góc buồn rầu, người mẹ khóc hết nước mắt vì con. Khi Tín mua được chiếc xe chạy taxi công nghệ, người mẹ ấy đã mừng vui vì con có công việc khá ổn định. Vậy mà chỉ vì một phút nông nổi, con trai bà đã phạm tội tày trời. Sau khi vụ án xảy ra, bà đã tất tả vay mượn, đến gia đình bị hại xin lỗi, xin được gửi gia đình nạn nhân số tiền 250 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Bên này, bà Đặng Thị Huỳnh Trang - vợ nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cũng trào nước mắt khi nghe đại diện cơ quan tố tụng đọc nội dung cáo trạng. Người thân gia đình nạn nhân cho biết, ông Tuấn là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn, yêu thương vợ con, xưa nay không hề xích mích với ai.
Cố nén nỗi đau, bà Trang cho biết, Tín còn quá trẻ, chỉ ngang tuổi con trai bà. Bà xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Tín để bị cáo sớm làm lại cuộc đời, báo hiếu cha mẹ già.
Nghe những lời ân tình từ phía gia đình nạn nhân, bị cáo Tín cúi gằm mặt, lí nhí nói lời cảm ơn và xin lỗi.
Sau khi căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tín 9 năm tù về tội giết người.
Thiếu trầm trọng điểm đỗ xe
Nhiều năm qua, với sự gia tăng của số lượng phương tiện, việc tìm chỗ đỗ xe tại khu vực trung tâm TP Đà Nẵng trở nên rất nan giải. Đã có nhiều vụ tạt sơn, đập kính xe, chửi bới nhau… giữa tài xế và chủ nhà, chủ cửa hàng mặt tiền vì xe đỗ dưới lòng đường, vỉa hè.
Theo quy định thì người điều khiển phương tiện giao thông được dừng, đỗ tại các vị trí được phép dừng, đỗ (những nơi không có biển cấm). Tuy nhiên, xét về góc độ văn hóa giao thông thì các tài xế xe ô tô khi dừng, đỗ xe trên đường cũng cần biết cách ứng xử đúng mực, chọn vị trí dừng, đỗ xe cho phù hợp, hạn chế tác động đến công việc kinh doanh của người khác hoặc gây cản trở lối ra, vào của người dân. Đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra chỉ vì chuyện rất nhỏ nhặt như vậy.
Luật sư Lê Cao (Giám đốc Công ty Luật FĐVN)
Dạo quanh các tuyến đường sầm uất như: Pasteur, Hùng Vương, Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Trưng Nữ Vương, Núi Thành… dọc đường dãy phương tiện chen chúc nhau dừng, đỗ. Mỗi giờ cao điểm, nạn ùn tắc do lòng đường bị thu hẹp càng thêm nhức nhối.
Anh Phan Quốc (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Mỗi lần vào khu vực trung tâm thành phố, để tìm chỗ đỗ xe không khác gì cực hình.
Nhiều lúc phải đỗ xe cách nơi cần đến cả cây số rồi đi bộ đến. Khi dừng, đỗ cũng phải nhìn trước ngó sau xem chủ nhà có phản ứng gì không mới dám tắt máy rời xe.
Trên xe, tôi cũng không quên dán tờ giấy có in số điện thoại của mình lên kính cũng dòng chữ “xin thông cảm” để chủ nhà gọi khi cần thiết”.
Theo tìm hiểu, nhiều năm qua Đà Nẵng đã có những phương án kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe công cộng. Tuy nhiên, đến nay ngoài bãi đỗ xe lắp ghép tại 255 Phan Châu Trinh đã đi vào hoạt động và bãi đỗ xe tại 166 Hải Phòng vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì các bãi đỗ xe được kêu gọi theo hình thức PPP vẫn đang nằm trên giấy.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng, việc chậm đầu tư, kêu gọi xây dựng bãi đỗ xe công cộng có nguyên nhân là do gặp phải vướng mắc, khó khăn.
Trong đó, lập quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe phải lấy ý kiến nhưng không được sự đồng thuận của người dân; các vị trí xây dựng bãi đỗ xe vướng mục đích sử dụng đất, đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm... Đặc biệt, các cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ ưu đãi đầu tư bãi đỗ xe.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng TTGT thường xuyên vận động, nhắc nhở người dân không đặt, để đồ vật ra vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Trường hợp cố ý tái phạm và thực sự gây cản trở giao thông thì đơn vị sẽ tiến hành xử phạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận