Đời sống

Bi kịch người đàn ông 7 năm sống "chui" không quốc tịch

22/03/2019, 07:07

Nhiều năm qua, một người dân tạm cư trú ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) mòn mỏi chờ các cấp có thẩm quyền xem xét được làm công dân.

img
Anh Chiến cùng gia đình mới của mình sau nhiều năm lưu lạc xứ người

“Người vô gia cư”

Theo phản ánh của anh Trần Quyết Chiến (SN 1978, tạm trú tại Sa Thôn, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), năm 17 tuổi, anh cùng mẹ và chị gái rời nhà lưu lạc sang Trung Quốc làm ăn. Trong quá trình sinh sống bên xứ người, anh Chiến quen biết rồi sống chung như vợ chồng với một người phụ nữ ở tỉnh Thái Nguyên cùng đang làm công nhân và có một đứa con trai đặt tên là Trần Quyết Sang.

Sau đó, “vợ” anh Chiến bỏ đi để lại 2 bố con. Thời gian này mẹ đẻ anh Chiến do tuổi cao, bệnh tật nên đã mất bên xứ người. Đến năm 2013, bố con anh Chiến tìm đường trở về Việt Nam và chỗ nhớ đầu tiên là xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Do thời điểm lúc đi đất đai bán hết và không có giấy tờ tùy thân nên 2 bố con anh Chiến chỉ biết nương nhờ tại nhà của một người họ hàng bên ngoại của mẹ. Cũng từ thời điểm này, anh Chiến đã báo chính quyền địa phương để xin xác nhận và cấp hộ tịch để bố con anh được sống, cư trú hợp pháp nhưng cho đến nay đã gần 7 năm vẫn chưa được các cấp chính quyền giải quyết.

“Lúc tôi 3 tuổi mẹ đưa 2 chị em tôi từ trong Nam về xã Xuân Lâm sinh sống. Lúc đó, gia đình có đất hẳn hoi nhưng sau đó do cuộc sống khó khăn và nhận thức chưa đầy đủ nên khi nghe một người ở xã bên môi giới sang Trung Quốc làm ăn nên cả 3 mẹ con bán nhà sang Trung Quốc. Hiện chị gái tôi lấy chồng và ở hẳn bên Trung Quốc. Sau khi mẹ tôi mất, “vợ” bỏ đi nên 2 bố con mới tìm cách trở về quê hương vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cũng đã trình báo với chính quyền địa phương xác nhận làm hộ tịch để cháu được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi chỉ xin được làm công dân nhưng vẫn chưa được”, anh Chiến chia sẻ.

Theo anh Chiến, từ năm 2013 đến năm 2018, sau khi có đơn kiến nghị của anh, nhiều lần Công an xã, Công an huyện, Công an tỉnh Thanh Hóa về xác minh lý lịch, điều tra và có “hứa” sẽ làm sớm hộ tịch cho bố con anh nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. “Bố con tôi như người vô gia cư, không biết phải đi đâu để xin được làm công dân, để cháu được học hành như bao đứa trẻ khác. Giờ muốn làm ăn, vay mượn cái gì cũng khó. Đi cái xe máy ra đường cũng không dám vì không có một giấy tờ nào trên người, nhỡ CSGT có hỏi không biết phải làm sao”, anh Chiến phân trần.

“Khó” giải quyết

Để tìm hiểu rõ sự việc này, PV Báo Giao thông đã trao đổi với ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, ông Bình cho biết: “Đúng là có sự việc anh Chiến có đơn xin cấp hộ khẩu và việc này tôi đã giao cho Công an xã xác minh, vấn đề vẫn chưa được giải quyết vì khi bố con anh Chiến về đây không có bất cứ giấy tờ gì. Về mặt chính quyền địa phương cũng mong muốn có sự tháo gỡ để người ta có quyền con người”.

Ngày 6/3/2019, Ban chỉ đạo đăng ký và thống kê hộ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch về việc kiểm tra công tác đăng ký và thống kê hộ tịch năm 2019. Mục đích của việc này nhằm đánh giá tình hình và kết quả triển khai công tác đăng ký, thống kê hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014; Kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập. Trong đợt kiểm tra này, huyện Tĩnh Gia là 1 trong 6 huyện sẽ được kiểm tra vào tháng 5/2019.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Trưởng Công an xã Xuân Lâm cho hay: “Chúng tôi trực tiếp xác minh sự việc này nhưng anh Chiến không có bất cứ giấy tờ nào, không đủ điều kiện, hồ sơ và cơ sở nào để làm căn cước, hộ khẩu, tạm trú”.
Theo ông Đông, qua xác minh ban đầu thì anh Chiến không sinh ra ở xã Xuân Lâm mà sinh ra ở trong miền Nam.

Mẹ anh Chiến cũng không phải là người ở đây mà là ở huyện Quảng Xương. Trước kia, mẹ con anh Chiến về xã Xuân Lâm ở nhờ nhà họ hàng sau đó không rõ đi đâu cho tới khi anh Chiến về xin xác nhận hộ khẩu. “Việc này đã vượt quá thẩm quyền của Công an xã. Chúng tôi cũng đã báo cáo Công an huyện, Công an tỉnh về vụ việc và cũng đã có cán bộ về xác minh”, ông Đông nói.

Chia sẻ về việc này, anh Trần Quyết Chiến cho hay: “Năm 2015, Công an huyện về yêu cầu ký cam kết không tái phạm xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép và hứa sẽ xem xét cấp hộ khẩu, căn cước. Rồi đến tháng 10/2018, cán bộ Công an cũng về xác minh lần nữa nhưng đến nay vẫn không hiểu thế nào mà tôi chưa được công nhận là công dân. Có lần khi gửi đơn bên tư pháp họ hướng dẫn phải có đất, sổ đỏ thì lúc đó mới cấp được. Nhưng khổ nỗi có tiền mua đất nhưng không có giấy tờ, hộ khẩu, căn cước thì ai làm sổ đỏ cho. Bố con tôi giờ không biết phải làm sao”.

Được biết, sau một thời gian về xã Xuân Lâm, anh Chiến có quen và sống chung với chị Lê Thị Lan (SN 1975, ngụ ở Sa Thôn, xã Xuân Lâm, đã có 2 người con riêng). Con trai anh Chiến là Trần Quyết Sang năm nay 10 tuổi đang theo học tại trường Tiểu học Xuân Lâm. Hiện anh Chiến đang ở và sống chung với chị Lan như vợ chồng trong căn nhà cấp 4 rộng 70m2. Cuộc sống của hai “vợ chồng” anh Chiến chỉ nương nhờ vào những đồng lương ít ỏi từ phụ hồ, bốc vác, trong khi nuôi nấng 4 đứa con cả chung, cả riêng của 2 người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.