Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Buôn Ma Thuột)khang trang, rộng rãi, các phương tiện đi đúng làn, đúng tốc độ tránh được TNGT - Ảnh: Phan Tư |
Năm 2015, đường Hồ Chí Minh hoàn thành và thật nghịch lý, TNGT lại tăng lên. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các tỉnh Tây Nguyên có đường Hồ Chí Minh chạy qua, 6 tháng đầu năm 2016, TNGT trên tuyến đường này đã giảm.
Quyết liệt chỉ đạo, kiên trì tuyên truyền
6 tháng đầu năm, 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông), TNGT đều giảm cả 3 tiêu chí. Nhìn nhận về kết quả này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Thời gian vừa qua, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên vào cuộc rất quyết liệt và thực hiện tốt các chuyên đề. Đó là hai lý do chính kéo giảm TNGT”.
Tại tỉnh Gia Lai, từ cuối năm 2015, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh”. Ngay lập tức, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 02-CT/TU của Tỉnh ủy. Theo đó, gắn kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT ở địa bàn được phân công phụ trách; Coi là một tiêu chí để đánh giá kết quả công tác, xem xét thi đua, khen thưởng cán bộ hàng năm. Đồng thời, phát động phong trào thi đua từ năm 2016-2020, với thông điệp “Gia Lai chung tay vì ATGT”; xem việc chấp hành pháp luật giao thông là tiêu chí để đánh giá, phân loại kết quả công tác và bình xét thi đua hàng năm đối với cán bộ, viên chức; Đồng thời, cũng là tiêu chí để xem xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư, công sở văn hóa”…
6 tháng đầu năm, tỉnh Gia Lai xảy ra 104 vụ TNGT, làm chết 115 người, bị thương 65 người (giảm 20 vụ, giảm 32 người chết, giảm 36 người bị thương so với cùng kỳ năm 2015). Tỉnh Kon Tum xảy ra 41 vụ TNGT, làm 41 người chết, 38 người bị thương (giảm 8 vụ, giảm 4 người chết, giảm 2 người bị thương). Tỉnh Đắk Lắk xảy ra 245 vụ TNGT, làm chết 132 người, bị thương 244 người (giảm 15 vụ, giảm 5 người chết, giảm 6 người bị thương). Tỉnh Đắk Nông xảy ra 27 vụ TNGT, làm chết 30 người, bị thương 5 người (giảm 1 vụ, giảm 3 người chết và giảm 2 người bị thương). |
“Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung khắc phục cho được hạn chế, tồn tại, nhất là TNGT tăng cao ở địa bàn nông thôn trong năm 2015 và đạt được kết quả tích cực, TNGT trên các tuyến đường GTNT đã giảm 48,39% so với cùng kỳ năm 2015”, lãnh đạo Ban ATGT Gia Lai cho hay.
Đối với Đắk Lắk, ông Khuất Việt Hùng đã trực tiếp đi khảo sát trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành (tuyến đường Hồ Chí Minh qua TP Buôn Ma Thuột). Tại các tuyến đường này, ông Hùng nhận thấy người điều khiển phương tiện chấp hành luồng giao thông rất tốt. “Xe máy đi làn đường xe máy, ô tô đi làn đường ô tô, rất đẹp đô thị và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn. Công tác đảm bảo TTATGT tại Đắk Lắk được thực hiện tốt nên tỉ lệ giảm TNGT rất đều qua các năm”, ông Hùng nói.
Để nâng cao được ý thức người dân khi tham gia giao thông, từ cuối năm 2015, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chuyên đề “Đi đúng làn đường”; Huy động toàn bộ lực lương CSGT ghi hình phương tiện trên các đường phố để xử phạt vi phạm làn đường. Đầu năm 2016, địa phương lại tổ chức tiếp các chuyên đề “Gương chiếu hậu” và “Xi nhan khi qua đường”…
Quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn
Làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cho biết: “Đầu năm 2016, 4 tỉnh Tây Nguyên dọc đường Hồ Chí Minh giảm TNGT là dấu hiệu tích cực, nhưng phải đề ra kế hoạch đảm bảo TTATGT và thực hiện triệt để mới có thể kéo giảm TNGT bền vững”.
Thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể cần thực hiện đối với các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới, đó là đề nghị lãnh đạo các tỉnh có những chỉ đạo hành động quyết liệt; Xử lý tốt các “điểm đen” giao thông, đặc biệt quan tâm đến hệ thống cảnh báo tại các đường ngang dân sinh…
“Tôi nhận thấy trên Tây Nguyên tại đường chính các hệ thống cảnh báo ATGT rất tốt, nhưng các đường phụ kết nối ra đường chính rất thiếu, thậm chí không có. Chính vì vậy, tỉ lệ TNGT do người lái xe từ đường làng băng qua đường lớn rất cao. Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần chỉ đạo bổ sung đầy đủ biển báo giao thông cho các đường ngang”, ông Hùng nói.
Về vấn đề xe quá niên hạn tại các tỉnh Tây Nguyên còn quá nhiều, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các tỉnh chỉ đạo lực lượng công an xử lý triệt để; Phát huy tốt công tác khám sức khỏe đối với tài xế, tài xế nào có dấu hiệu ma túy cần xử lý ngay; Tăng cường công tác đảm bảo ATGT đường thủy, nhất là các bến đò ngang.
“Các tỉnh cần lập ngay chuyên đề “Kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông”, bởi theo phân tích của Ủy ban ATGT Quốc gia, ở Tây Nguyên tỉ lệ TNGT do người say rượu gây ra rất lớn. Chỉ khi thực hiện tốt chuyên đề này thì TNGT các tỉnh Tây Nguyên mới có thể giảm bền vững”, ông Hùng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận