Hình ảnh máy phát bao cao su do nhóm sinh viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) sáng chế |
Một nhóm sinh viên khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng đã chế tạo ra máy phát bao cao su tự động với hy vọng giúp mọi người không còn cảm giác ngại ngùng khi đi mua bao cao su. Qua đó, mọi người sẽ sử dụng bao cao su nhiều hơn, đảm bảo quan hệ tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...
Máy gồm một đồng hồ điện tử ghi số bao cao su đang còn, một nút bấm để lấy bao cao su, khe đựng tiền quyên góp và loa thông báo, nói cảm ơn khi có người quyên tiền tại khe quyên góp tiền tạo kinh phí tái cấp. Thiết bị được cấp điện nhờ bình ắc quy bên trong cho thời gian hoạt động khoảng 2-3 ngày. Mỗi lần, máy chứa 50 bao cao su. Hiện chiếc máy phát bao cao su đầu tiên này đang đặt tại số 180 Hoàng Diệu, quận Đoàn Hải Châu, Đà Nẵng.
Cận cảnh chiếc máy phát bao cao su miễn phí đầu tiên tại Đà Nẵng |
Chiếc tủ phát bao cao su này còn có thể tự động nhắn tin đến thành viên nhóm sáng chế khi hết BCS, lưu thời gian lấy từng chiếc BCS để phục vụ cho việc thống kê và nghiên cứu xã hội.
Chính thức ra mắt vào 31/12/2015 đến nay, thống kê của nhóm bạn trẻ cho thấy mỗi ngày có trung bình 20 người sử dụng, nhiều nhất sau 12h đêm đến 5h sáng.
Chi phí sản xuất máy phát bao cao su tự động này khoảng 4 triệu đồng, cùng số tiền mua bao cao su đều do nhóm sinh viên tự quyên góp. Các em cũng đã chế tạo thành công thêm 4 chiếc và sắp lắp đặt tại một số nơi khác trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện cả nhóm chưa tìm được nguồn tài trợ nên gặp khó trong việc nhân rộng hoạt động này.
Hằng ngày, các thành viên trong nhóm thay nhau đến kiểm tra hoạt động của chiếc tủ. Sắp tới, nhóm kỳ vọng đưa chiếc tủ này đến nhiều địa điểm công cộng hơn, tiếp tục tại quận Hải Châu, sau đó là quận Liên Chiểu rồi đến tất cả các quận huyện trên địa bàn.
Dự án máy phát bao cao su miễn phí lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng này đang làm nóng diễn đàn giới trẻ cũng như người dân TP bởi chiếc máy này được xem là "bùa hộ mệnh" nhằm làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Được biết, đây là sản phẩm của nhóm sinh viên sáng chế để tham dự cuộc thi “Kinh tế cộng đồng” do Trường Đại học Duy Tân tổ chức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận