Hành khách khi đi xe buýt nếu bị QRTD cần thông báo với lái, phụ xe để được hỗ trợ (ảnh minh họa) |
Chỉ có 5 hành khách phản ánh bị QRTD
Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Việt Triều cho biết, theo số liệu cập nhật trong 8 tháng gần đây (từ 1/4 đến 31/11), đường dây nóng của Transerco nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng; Trong đó: Tư vấn dịch vụ xe buýt chiếm 89%, phản ánh chất lượng dịch vụ 3%, khen ngợi 1%, góp ý chất lượng dịch vụ 5%, thông tin khác 2%...
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP HCM, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, khảo sát để xác định rõ các điểm, các tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra tình trạng QRTD. |
Trong các cuộc gọi trên, số vụ khách hàng phản ánh liên quan đến QRTD là năm vụ, chiếm tỷ lệ 0,4% trong số vụ phản ánh về chất lượng dịch vụ và chiếm 0,01% trong tổng cuộc gọi khách hàng gọi đến đường dây nóng của Hanoibus. “Như vậy, cứ 10 nghìn lượt khách hàng phản ánh thì mới có một khách phản ánh về tình trạng QRTD”, ông Triều nói.
“Phải nhìn nhận rằng, môi trường trên xe buýt là phức tạp, giống như một xã hội thu nhỏ. Đặc biệt, vào giờ cao điểm tình trạng quá tải rất kinh khủng nên vô hình trung tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng móc túi, quảng cáo, dán tờ rơi thậm chí QRTD…”, ông Triều cho biết thêm.
Cũng theo ông Triều, trong năm trường hợp khách hàng phản ánh lại với Tổng công ty, chưa có sự vụ nào nghiêm trọng. Tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói khiêu khích hoặc cử chỉ thiếu văn hóa. Mặc dù vậy, ông Triều cũng khẳng định Transerco luôn nỗ lực tối đa để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Bị quấy rối, có thể gọi cảnh sát hình sự
Để đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi xe buýt, trong đó có việc hạn chế tối đa các hành vi QRTD, ông Triều cho biết, Transerco đã và đang nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tạo dựng được môi trường tốt nhất cho hành khách.
“Tổng công ty đã thành lập Phòng Chăm sóc khách hàng, tiếp nhận và giải quyết thông tin khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ trên xe buýt, trong đó có việc phản ánh QRTD thông qua tổng đài, hoạt động từ 5h đến 23h hàng ngày (từ giờ mở bến đến giờ đóng bến). Các kênh thông tin khác cũng được triển khai như điện thoại đường dây nóng, website, hòm thư khách hàng, điện thoại đường dây nóng của Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, sở GTVT Hà Nội (được dán trên thành xe buýt)…”, ông Triều thông tin.
Đối với khách hàng khi đi trên xe buýt, để hạn chế việc chen lấn xô đẩy, Hanoibus đã có quy định bắt buộc khách hàng lên cửa trước, xuống cửa sau và chấp hành hướng dẫn, sắp xếp của nhân viên phục vụ trên xe. Đối với lái xe và nhân viên bán vé, Transerco cũng chú trọng đào tạo về kỹ năng giao tiếp với khách hàng nhằm hạn chế những cử chỉ, lời nói phản cảm gây hiểu lầm cho khách hàng; Xử lý nghiêm những hành vi lái xe, bán vé có thái độ thiếu văn minh lịch sự trong khi phục vụ khách hàng, trong đó có các hành vi liên quan đến QRTD.
Trong thời gian tới, Transerco sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền trong đội ngũ CBCNV nói chung, đặc biệt là đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ của Tổng công ty về việc phòng chống ngăn ngừa tình trạng QRTD; Nghiên cứu và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền về công tác phòng, chống QRTD trên xe buýt (thông qua âm thanh hoặc dán pano hình ảnh tuyên truyền …); Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan công an để xử lý các trường hợp vi phạm trên xe buýt.
Ngân Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận