Thị trường

BIDV cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu: Đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc

01/10/2023, 08:12

Chuyên gia cho rằng, cần đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ đúng sai trong việc BIDV cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Ai sai phải chịu trách nhiệm

Trả lời phóng viên Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà cho biết khoản tiền gần 270 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị Ngân hàng BIDV - chi nhánh Long Biên cấn trừ nợ vẫn chưa được trả lại. Việc thu nợ đến nay đã 4 tháng. 

Phóng viên Báo Giao thông đã liên hệ với Ngân hàng BIDV để làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên, phía BIDV vẫn chưa có phản hồi chính thức. Những cán bộ của BIDV chỉ khẳng định ngân hàng luôn làm đúng các quy định của pháp luật.

BIDV cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu: Nếu dây dưa, đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc - Ảnh 1.

BIDV Long Biên tự động thu nợ gần 270 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp. Đây là tiền của dân được tính vào giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu.

Có ý kiến cho rằng việc ngân hàng BIDV - chi nhánh Long Biên khấu trừ nợ như vậy là bởi tài khoản này mang tên doanh nghiệp và không ghi rõ tài khoản dành cho mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cho nên ngân hàng có quyền thu hồi nợ từ tất cả các tài khoản đứng tên công ty.

Liệu có tình huống BIDV - chi nhánh Long Biên không biết đó là tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Hải Hà không?

Để tìm câu trả lời, phóng viên đã đi tìm hiểu về quá trình mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một doanh nghiệp đầu mối.

Theo đó, sau khi mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng, doanh nghiệp đầu mối này phải gửi văn bản báo cáo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính. Trong đó, công ty cập nhật các thông tin cụ thể liên quan đến tài khoản Quỹ bình ổn giá bao gồm số hiệu tài khoản, tên chủ tài khoản, ngày mở, nơi mở, loại tài khoản.

Cụ thể, phần nơi mở tài khoản, công ty này ghi rõ "mở tại ngân hàng...", còn ở phần loại tài khoản cũng ghi rõ "tài khoản thanh toán không kỳ hạn (mục đích: Quỹ bình ổn xăng dầu)".

BIDV cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu: Nếu dây dưa, đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc - Ảnh 2.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI.

Như vậy, cần phải làm rõ Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Hải Hà khi mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu có rõ ràng về mục đích như doanh nghiệp đầu mối kể trên không. Nếu có sự nhập nhằng, không rõ ràng thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Còn nếu đã ghi rõ ràng mục đích mà ngân hàng vẫn cấn trừ nợ từ Quỹ thì cần xem xét trách nhiệm ngân hàng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, doanh nghiệp khi chuyển tiền vào tài khoản phải ghi rõ đó là tiền gì. Vậy nên, khó để nói là ngân hàng không biết. Nghị định Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính đã quy định rất rõ, không cần phải hướng dẫn gì thêm cho ngân hàng.


Đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là loại quỹ được Luật Giá cho phép thành lập trên cơ sở trích từ giá mua xăng dầu của tổ chức, cá nhân sử dụng xăng dầu phục vụ cho mục tiêu bình ổn giá.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
Quỹ Bình ổn giá không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước nhưng nó là một loại quỹ tài chính quốc gia do Nhà nước quản lý, điều hành đặt tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giao cho doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại.

Việc sử dụng Quỹ BOG chỉ thực hiện chỉ khi có "hiệu lệnh" của Bộ Công thương, Bộ Tài chính.

"Điều đó có nghĩa là ngoài liên Bộ Công thương - Tài chính, không ai có thẩm quyền quyết định trích lập, sử dụng quỹ này. Và ngay cả hai bộ này cũng như doanh nghiệp xăng dầu cũng không được phép sử dụng quỹ này vào mục đích khác ngoài mục đích bình ổn giá xăng dầu theo quy định", ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

BIDV cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu: Nếu dây dưa, đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Ông Thỏa cho rằng: Trên thực tế, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có Quỹ bình ổn giá âm mà cần phải vay ngân hàng để chi bình ổn giá theo quy định của Bộ Công thương thì điểm c, khoản 4, Điều 6, Thông tư 103/2021 ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính đã nêu rõ: Phần vay đó sẽ được hoàn trả khi Quỹ bình ổn giá có số dương… 

Do vậy, ông Thỏa cho rằng, nếu vụ việc chưa được xử lý, Bộ Tài chính, Bộ Công thương - cơ quan quản lý Nhà nước về quỹ cần chuyển hồ sơ để cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ đúng, sai, đảm bảo quỹ này được vận hành đúng quy định của pháp luật.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.