Biển báo 106b cấm xe tải theo quy chuẩn QCVN41:2012/BGTVT nay được sửa đổi sang QCVN 41:2016/BGTVT |
Theo bài báo, sự việc TAND TP Vinh, tỉnh Nghệ An không chấp nhận đơn của lái xe Phan Đình Anh (35 tuổi, tài xế của doanh nghiệp Võ Minh) cho rằng, mình không vi phạm quy định của biển cấm và tiếp tục kháng cáo khi bị xử thua kiện trong vụ đề nghị tòa tuyên vô hiệu quyết định xử phạt hành chính 4,9 triệu đồng của CSGT Công an TP Vinh đã gây nên bão mạng và các cách hiểu khác nhau về biển cấm tải trọng 106b.
Tài xế khẳng định, xe mình tải trọng 3,4 tấn không chở hàng thì được đi vào đường có biển báo giới hạn tải trọng 4 tấn, tuy nhiên, CSGT lại phạt anh vì hành vi này. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội đồng tình với cách hiểu biển báo của tài xế Phan Đình Anh. Một người có tên Lê Vịnh Tiến cho rằng: “Biển cấm xe quá 4 tấn là để giữ đường, đây xe không chở hàng, giấy tờ xe ghi rõ tải trọng bản thân xe có 3,4 tấn, vậy xe đi vào đâu có làm hỏng đường mà phạt”. Bạn đọc Lê Huy Hòa cũng chia sẻ: “Phạt xe 3,4 tấn đi vào đường có biển cấm xe 4 tấn chả khác nào cài bẫy lái xe”. Một số ý kiến khác gợi ý cho tài xế nếu tiếp tục kiện CSGT thì chỉ nên so sánh biển thực tế nơi CSGT dừng xe xử lý vi phạm với biển theo quy chuẩn, nếu có chi tiết nào không đúng quy chuẩn thì kiện biển báo không có hiệu lực.
Để làm rõ hơn ý kiến cho rằng phạt xe không chở hàng, tải trọng xe chưa tới giới hạn biển báo là cứng nhắc, làm khó lái xe, bài viết trên Báo Giao thông dẫn lời một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho rằng: “Biển 106b là cấm theo các loại xe chứ không phải cấm theo hàng hóa. Nghĩa là cấm tải trọng bản thân xe và tải trọng hàng được phép chuyên chở được xác định theo giấy chứng nhận đăng kiểm xe. Tải trọng của xe ghi trong giấy chứng nhận đăng kiểm đi kèm theo cũng quy định về chiều dài cơ sở và chiều rộng của xe. Dù xe có chở hàng hay không chở hàng vẫn phải chấp hành theo biển 106b. Điều này cũng tương tự như đối với xe khách 16 chỗ, dù có chở khách hay không thì vẫn gọi là loại xe 16 chỗ ngồi”.
Bài báo đưa ra nhận định: “Như vậy, tài xế lái xe tải có tải trọng bản thân xe 3,4 tấn, tổng trọng lượng cả xe cả hàng được phép chuyên chở 7 tấn đi vào đường cắm biển 4 tấn là sai. Vì biển này giới hạn tải trọng theo loại xe (bao gồm tải trọng xe và hàng hóa được phép chuyên chở) ghi trong giấy chứng nhận đăng kiểm chứ không theo tải trọng bản thân xe. Bởi, biển cấm này ngoài việc hạn chế tải trọng để bảo vệ kết cấu hạ tầng còn hạn chế kích thước xe cho phù hợp với khổ đường, phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường. Với những tuyến đường nhỏ, đơn vị quản lý giao thông có thể đặt biển cấm để hạn chế xe to, xe tải đi vào”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận