Cát biển đang được nghiên cứu để làm vật liệu thay thế cát sông, các nghiên cứu bước đầu cho thấy kết quả khả thi. Riêng tại khu vực ĐBSCL, lượng cát biển có thể lên đến hàng tỷ m3.
Từ thành công của “công nghệ Phan Thành”
Cát nhiễm mặn được Công ty Phan Thành biến thành cát xây dựng
Từ trước năm 2011, ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Phan Thành, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở TP Cần Thơ đã sáng chế ra thiết bị biến cát san lấp thành cát xây dựng.
Sáng chế này đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 11 vào năm 2011.
Cũng năm đó, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải WIPO dành cho giải pháp xuất sắc nhất năm 2011. Ông Dũng còn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động Sáng tạo.
Tiếp tục phát triển công nghệ rửa sạch cát, từ năm 2017, ông Dũng tập trung nghiên cứu công nghệ chế biến cát nhiễm mặn thành cát xây dựng. Ông trực tiếp lấy cát nhiễm mặn ở nhiều nơi, từ Quảng Ninh, Bình Thuận đến Kiên Giang để chế biến thử nghiệm, kết quả khá khả quan.
Trung tâm Tư vấn Chống ăn mòn và Xây dựng thuộc Viện Khoa học Công nghệ xây dựng xác nhận, cát nhiễm mặn ở bờ biển tỉnh Bình Thuận được xử lý bởi công nghệ Phan Thành “trong vùng cốt liệu vô hại”.
Cát nhiễm mặn ở bờ biển Phú Quốc (Kiên Giang) qua xử lý bởi công nghệ Phan Thành được Trung tâm Đo lường chất lượng Cần Thơ thử nghiệm, hàm lượng cl- chỉ còn 0,003, đạt tiêu chuẩn cát xây dựng.
Còn cát nhiễm mặn ở cửa sông Ka Long, khu vực đảo Ngọc ở bãi biển Móng Cái (Quảng Ninh), qua công nghệ xử lý Phan Thành, hàm lượng cl- từ 0,21 xuống mức “không phát hiện”, theo kết quả thử nghiệm của Phân viện Vật liệu xây dựng Miền Nam.
Những kết quả thử nghiệm khẳng định: Dây chuyền công nghệ chế biến cát nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng của Phan Thành có thể hoạt động quy mô công nghiệp.
Mấy năm qua, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với ông Dũng xây dựng nhà máy sàng lọc và rửa sạch cát…
Từ vật liệu bỏ đi đến hàng “hot”
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) được thành lập từ năm 2015. Từ khi đi vào vận hành đến hết tháng 4/2022, tổng lượng tro, xỉ phát sinh của 3 nhà máy khoảng 7,88 triệu tấn.
Tổng lượng tro, xỉ đã được tiêu thụ tái sử dụng khoảng 4,2 triệu tấn; lượng tro, xỉ lưu trữ tại bãi khoảng 3,67 triệu tấn.
Từ nỗi ám ảnh, phải tìm cách giải quyết, đến nay, tro xỉ ở Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải đã trở thành món hàng “hot”, được săn đón.
Nhiều con đường dẫn vào nhà máy này đã được láng tro xỉ thay vì láng nhựa. Xe cộ chạy bon bon, kể cả xe tải trọng lớn. Qua vài năm, các con đường vẫn láng bóng.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết: “Hiện, tro bay và xỉ đáy lò của các nhà máy nhiệt điện đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp, dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng vào năm 2020. Từ đó, rất nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua tro xỉ.
Gần đây, khi giá cát san lấp, cát xây dựng tăng chóng mặt, càng nhiều doanh nghiệp tranh nhau hỏi mua tro xỉ về san lấp, làm bê tông, clinker sản xuất xi măng. Đến nay, đã có 16 đơn vị ký hợp đồng thu mua tro xỉ từ 3 nhà máy của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải.
Hiện, mỗi ngày 3 nhà máy của công ty có thể cho ra khoảng 4.000 tấn tro, xỉ thì có đến 90% được tiêu thụ ngay. Công ty phải đầu tư thêm một hệ thống, ống dẫn tro bay ra cảng ưu tiên tiêu thụ bằng đường sà lan, tàu biển để vận chuyển được nhiều hơn.
Cần hành lang pháp lý
Tro xỉ ở Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải được một doanh nghiệp thu mua và chế biến thành gạch không nung
Theo các chuyên gia, riêng tại ĐBSCL, nguồn cát mịn tập trung nhiều ở Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre… với trữ lượng dồi dào (hơn 850 triệu m3). Tuy nhiên, chất lượng nguồn cát này chứa hàm lượng bụi, bùn, sét và tạp chất hữu cơ...
Muốn sử dụng nguồn cát này bắt buộc phải qua tuyển rửa loại bỏ tạp chất mới đáp ứng được các yêu cầu sử dụng chế tạo bê tông và vữa. Vì vậy, nguồn cát này chủ yếu chỉ dành cho san lấp, dẫn đến lãng phí lớn.
Trong khi đó, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 nêu rõ: “Cần đẩy mạnh việc sản xuất sử dụng cát nước lợ, cát mịn, cát biển đi kèm với các giải pháp kỹ thuật, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng thay thế cho 10% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng”.
Trước yêu cầu cấp bách về nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ xây dựng các tuyến đường cao tốc nói riêng, giao thông đường bộ nói chung ở khu vực ĐBSCL, yêu cầu này càng cấp thiết.
Ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Phan Thành cho hay, hiệu quả của những sáng chế đã được chứng minh từ nhiều năm, nhưng đến nay việc áp dụng vào thực tiễn lại rất nhỏ giọt.
Doanh nghiệp của ông chỉ lâu lâu mới đem máy móc “đi đánh xứ người” qua việc “rửa cát” thuê cho các công trình. Còn lại chưa áp dụng vào những dự án làm đường quy mô lớn.
Theo ông Dũng, khó khăn lớn hiện nay để sử dụng vật liệu thay thế cát truyền thống là thiếu hành lang pháp lý: “Bộ Xây dựng đã hoàn tất dự thảo về bộ quy chuẩn kỹ thuật. Chúng tôi mong bộ quy chuẩn này sớm được thông qua, để cát mặn đạt chất lượng có thể sử dụng rộng rãi”.
Ông Trần Phước Lợi, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV (Trà Vinh) cho biết, vừa trúng đấu giá mua 1 triệu tấn tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải với giá hơn 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi trúng giá, tro xỉ chưa thể thi công do vướng thủ tục pháp lý. “Tôi mong khó khăn này sớm được giải quyết”, ông Lợi nói.
TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng, nguồn cát ở sông Tiền, sông Hậu vốn không phải vô hạn và đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, những công trình giao thông luôn “ngốn” một lượng cát khổng lồ.
“Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống đang rất cấp thiết. Cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn để làm cơ sở pháp lý nhằm phát triển sản xuất và sử dụng những loại vật liệu này”, TS. Hiệp nói.
Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi 6 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án cao tốc trong khu vực.
Để chủ động nguồn vật liệu san lấp, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển trên địa bàn 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Mục đích để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời, chỉ đạo các Sở TN&MT, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận